"Nhà Hội đồng Dư" ở Sóc Trăng: Một di tích bị lãng quên

13/05/2018 - 20:28

Với người dân Nam Bộ nói riêng, người mê cải lương nói chung, không ai không biết đến vở cải lương “Tiếng hò sông Hậu” của soạn giả Điêu Huyền. Riêng với nhân vật Hội đồng Dư, dấu ấn hiện nay của ông là căn nhà vẫn tồn tại ở Sóc Trăng nhưng rất ít người biết…

A A

Những nhân vật trong vở cải lương này, như: Hội đồng Dư độc ác, cô Ba Phượng tàn nhẫn hay thím Tư Hậu, anh Thừa hiền lành, chân chất… đã khiến người xem trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc… 

Căn nhà của Hội đồng Dư đã xuống cấp, không còn sử dụng. 

Riêng với nhân vật Hội đồng Dư, dấu ấn hiện nay của ông là căn nhà vẫn còn tồn tại ở Sóc Trăng nhưng rất ít người biết đến… 

Theo giới thiệu của Đại tá Đỗ Tất Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 9, ngôi nhà của Hội đồng Dư hiện vẫn còn nguyên hình dáng, kiến trúc (nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng) và tọa lạc ngay trong khuôn viên Trường Quân sự quân khu 9 (phường 10, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), tuổi đời của căn nhà này đã trên 100 năm. 

Cầu thang lên lầu 1 còn khá nguyên vẹn.

Ngôi nhà này được xây dựng trên diện tích đất khoảng hơn 100m2, kiên cố theo phong cách biệt thự của người Pháp với qui mô một trệt, một lầu với nhiều phòng nhỏ cùng nhà kho, khu nhà bếp và sân thượng.

Trong khu vực căn nhà còn 2 cây hoa sứ cổ thụ. 

Từ ngoài nhìn vào, ngôi nhà gây ấn tượng với mọi người bởi nét quen thuộc của kiến trúc Pháp thường thấy ở Việt Nam. 

Trước hết là bậc lên xuống (tam cấp) vẫn còn nguyên vẹn những hàng gạch đỏ au đã bị mòn vẹt theo năm tháng; các mái vòm ở cửa ra vào hay trên tường của từng căn phòng. 

Một góc khác ngôi nhà của Hội đồng Dư.

Cầu thang dẫn lên tầng trên uốn lượn trông mềm mại, mượt mà cùng hàng chục bậc thang vẫn còn nguyên. 

Ngoài căn nhà này, còn có một cây nhãn, một cây anh đào, một cây me tây (cây còng), hai cây sứ trắng và một giếng cổ mà theo Đại tá Đỗ Tất Hùng thì tuổi của chúng cũng ngang với tuổi căn nhà. 

Giếng khơi lúc nào cũng đầy nước

Đặc biệt, giếng nước chỉ sâu khoảng 5 - 6 mét nhưng lúc nào cũng có nước. Trong khi cả vùng đất xung quanh trường bị nhiễm phèn thì nước giếng khơi này lúc nào cũng ngọt và mát lạnh.

Một cây cổ thụ trong khuôn viên căn nhà Hội đồng Dư. 

“Trước đây, căn nhà này được sử dụng làm Sở Chỉ huy của một đơn vị thuộc trường, nhưng sau khi có thông báo của Pháp về tính an toàn của ngôi nhà không đảm bảo nên đơn vị không sử dụng nữa mà để nguyên vậy. 

Theo chúng tôi, tuy đã xuống cấp nhưng nếu được gia cố, sửa chữa thì căn nhà vẫn có thể làm điểm tham quan cho du khách bởi nó gắn liền với câu chuyện Hội đồng Dư và cô Ba Phượng của một thời không quên” - Đại tá Hùng chia sẻ.

Theo CAO XUÂN (Công An Nhân Dân)