Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran bị ám sát

28/11/2020 - 08:20

Bộ Quốc phòng Iran xác nhận, Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân cấp cao nhất nước này vừa bị ám sát gần thủ đô Tehran.

Ông Fakhrizadeh thiệt mạng sau một vụ tấn công ở Absard thuộc hạt Damavand lân cận Tehran.

Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh ngày 27-11. Ảnh: EPA

Trong một tuyên bố phát đi ngày 27-11 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Iran cho biết, những kẻ có vũ trang đã tập kích chiếc xe chở ông Fakhrizadeh, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu và đổi mới trực thuộc bộ này.

"Sau cuộc chạm trán giữa những kẻ khủng bố và các vệ sĩ riêng, ông Fakhrizadeh bị thương nặng và được đưa ngay tới bệnh viện cấp cứu. Đáng tiếc, những nỗ lực của đội ngũ y tế nhằm cứu sống ông không thành công và ông qua đời vài phút sau đó", trích thông cáo của nhà chức trách Iran.

Theo truyền thông địa phương, những kẻ tấn công đã nhắm bắn nhà khoa hạt nhân khi ông đang trên xe. Hãng thông tấn Fars trước đó đưa tin, có một vụ nổ xe hơi đã xảy ra ở thị trấn Absard. Các nhân chứng kể có 3 - 4 cá nhân, được tin là những kẻ khủng bố, đã bị tiêu diệt.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đăng đàn Twitter gọi vụ ám sát ông Fakhrizadeh là "hành động khủng bố nhà nước". Trong một thông điệp đăng tải trên Twitter, ông Zarif cáo buộc Israel có liên quan đến sự cố và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án "hành động hèn nhát" trên.

Chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố, nước này sẽ trả thù cho cái chết của ông Fakhrizadeh.

Ông Fakhrizadeh. Ảnh: MNA

Theo BBC, ông Fakhrizadeh là nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng nhất của Iran và cũng là một quan chức cấp cao thuộc IRGC. Các cơ quan an ninh phương Tây từ lâu coi ông là nhân tố then chốt, vô cùng hùng mạnh đứng sau chương trình hạt nhân của Tehran.

Các tài liệu mật lọt vào tay Israel năm 2018 hé lộ, ông Fakhrizadeh đứng đầu chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của quốc gia Hồi giáo. Năm 2015, tờ New York Times của Mỹ ví nhà khoa học này với J. Robert Oppenheimer, chuyên gia vật lý đứng đầu dự án Manhattan tạo ra các vũ khí nguyên tử đầu tiên trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từ lâu đã muốn nói chuyện với ông Fakhrizadeh để điều tra chương trình hạt nhân của Tehran. Nghi ngờ Iran sử dụng chương trình như vỏ bọc để phát triển bom nguyên tử, Mỹ, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã áp một loạt biện pháp cấm vận nước này năm 2010.

Năm 2015, Iran ký thỏa thuận với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháo, Trung Quốc, Nga và Đức, cam kết giới hạn các hoạt động hạt nhân để đối lấy việc giảm trừng phạt.

Ngay từ đầu, Israel đã cực lực phản đối thỏa thuận. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5-2018 đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, Tổng thống mới đắc cử Joe Biden khẳng định sẽ tái gắn kết với Iran khi ông lên nắm quyền vào tháng 1 năm sau.

Theo TUẤN ANH (Vietnamnet)