Nhà nước năng động nông dân sáng tạo

30/05/2018 - 07:06

 - Từ một tỉnh thiếu lương thực, thực phẩm, An Giang trở thành tỉnh đứng thứ 2 cả nước về sản lượng lúa, cá tra. Đời sống nông dân (ND) không những được cải thiện, nhiều hộ đã giàu lên nhờ cơ chế, chính sách mang tính năng động của Nhà nước và tư duy sáng tạo của ND.

Từ chủ trương, chính sách năng động

Ngồi trên bờ ruộng nhà mình, ông Trần Văn Lắm (ND xã Tây Phú, Thoại Sơn, An Giang) nhớ lại những ngày đầu của thời kỳ đổi mới và chia sẻ, ND trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung biết ơn Đảng và Nhà nước đã khởi xướng, lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới. Nếu không có đổi mới, không táo bạo trong tư duy và hành động, đời sống ND sẽ còn rất cơ cực.

Ông Lắm chỉ tay về phía bờ kênh nói tiếp, vùng đất này xưa kia hoang hóa, hệ thống thủy lợi chưa được xây dựng, hoàn chỉnh: thời đó (trước năm 1985), với chính sách “nhường cơm xẻ áo” thông qua cải tạo nông nghiệp (NN), ruộng đất bị chia theo bình quân nhân khẩu; phương tiện máy móc của ND bị “quốc hữu hóa”, vì vậy người chuyên làm nghề nông, có đất, có kinh nghiệm thì tư liệu sản xuất (đất đai, máy móc) bị “quốc hữu hóa”. Người không có kinh nghiệm làm nghề nông cũng được chia đất. Ngày 30-4-1985, An Giang công bố đã cơ bản hoàn thành hợp tác hóa NN.

“Tưởng như sự cải tạo đó mang lại hiệu quả nhưng thực tế chứa đựng nhiều điều bất hợp lý, không phù hợp với thực tế. Cách làm đó dẫn đến kết quả trái ngược, sản lượng lương thực không tăng, kinh tế NN bi đát…” - ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhớ lại.

 

Nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và có nhiều nông dân giàu lên từ nghề này

Trước thực tế này, An Giang đã năng động ban hành hàng loạt chính sách nhằm “cởi trói” cho ND, tạo điều kiện cho ND có đất và tư liệu sản xuất (SX) hay nói cách khác là đổi mới cách quản lý kinh tế NN như: tiến hành củng cố tập đoàn máy, xóa bỏ khái niệm xâm canh, hỗ trợ vốn cho ND SX… Với hàng loạt chủ trương, chính sách mới ra đời thực sự là “đòn bẩy” để NN, ND, nông thôn phát triển.

“Đây là sáng tạo của An Giang. Chính sự năng động từ trong tư duy của những người lãnh đạo đến tinh thần vượt khó của người ND đã giúp tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức; đưa An Giang từ thiếu lương thực trở thành tỉnh xuất khẩu lương thực vào năm 1989 và giờ đây không chỉ có lúa, cá tra, rau màu mà xoài, mít cùng nhiều sản phẩm khác cũng xuất khẩu, mang về cho tỉnh mỗi năm hàng trăm triệu USD” - ông Nguyễn Hữu Khánh tự hào chia sẻ.

…Đến tư duy sáng tạo của ND

“Những năm đầu sau đổi mới, đồng ruộng An Giang như khoác trên mình chiếc áo mới. Máy cày chạy đầy đồng, lúa và hoa màu đều tốt tươi, ND ai nấy đều chăm lo SX. Nhà nước thực hiện hàng loạt công trình kênh, mương nội đồng, “dẫn thủy nhập điền”, tháo chua rửa phèn, khôi phục lại đồng ruộng…

Chỉ trong 1 thời gian ngắn, năng suất lúa nâng lên từ 15-20 giạ/công rồi 30-40 giạ/công. Từ SX 1 vụ lên 2 vụ, rồi 3 vụ. Đến năm 2000, ND bắt đầu thay đổi tư duy, từ SX để ăn sang SX để bán; từ “bán cái mình có chuyển sang bán cái thị trường cần”. Nhờ đó, đời sống người ND bắt đầu thịnh vượng…” - ông Lắm chia sẻ.

Năng động trong tư duy, sáng tạo trong cách làm, ND An Giang mạnh dạn chuyển đổi cách nghĩ, cách làm phù hợp với kinh tế thị trường. Kết quả của quá trình đó là nhiều mô hình, mới ra đời, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

“Thời đó, nếu ở Châu Đốc có mô hình nuôi cá bè xuất khẩu thì ở Châu Phú có đậu nành rau, Thoại Sơn và Tri Tôn có lúa. Cả 3 sản phẩm này đều xuất khẩu, đưa An Giang trở thành tỉnh đi đầu ở ĐBSCL về thành công trong cải tạo NN” - ông Nguyễn Văn Bàn (ND thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) chia sẻ.

Nối tiếp những thành công, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mang tính khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực NN, nông thôn; cùng với đó là vận động ND đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình hợp tác xã NN kiểu mới để sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ, giá thành SX hợp lý, chất lượng được nâng lên.

Tư duy của người ND được chuyển từ chạy theo năng suất, số lượng sang chú trọng chất lượng, tính an toàn của sản phẩm khi phục vụ người tiêu dùng; từ SX tự phát theo phong trào chuyển sang SX có kế hoạch, tính đến hiệu quả kinh tế sau mỗi mùa vụ, hiệu quả SX trên mỗi đơn vị diện tích đất…

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích