Nhân lên tình yêu biển, đảo của Tổ quốc

18/08/2019 - 19:11

Lòng yêu nước, tình yêu biển đảo từ lâu đã trở thành nguồn động lực thôi thúc, quy tụ sức mạnh tinh thần, tình cảm của mọi người con đất Việt.

Các hoạt động giao lưu, thăm hỏi, tặng quà quân dân trên các đảo, Nhà giàn DK1 đã góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó với biển, đảo, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió. Trong ảnh: Đưa hàng Tết đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Lát, huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Biển, đảo Việt Nam luôn là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chăm lo, phát huy lợi thế và bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Bởi thế, lòng yêu nước, tình yêu biển đảo từ lâu đã trở thành nguồn động lực thôi thúc, quy tụ sức mạnh tinh thần, tình cảm của mọi người con đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng bào xa quê hương.

Những cầu nối chuyển tải yêu thương từ đất liền tới biển, đảo

Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” là một tổ chức tình nguyện, xã hội của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Anh Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, được thành lập từ năm 2016, các hoạt động của Câu lạc bộ nhằm tập hợp, đoàn kết các thành viên đã tham gia Hành trình biển, đảo quê hương do Trung ương Đoàn hoặc Quân chủng Hải quân tổ chức qua các năm; những đoàn viên, thanh niên có hành động thiết thực, công trình nghiên cứu hướng về biển, đảo Tổ quốc; tạo dựng môi trường làm việc sáng tạo cho các hội viên.

Bên cạnh đó, các hội viên giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống; tìm kiếm các cá nhân xuất sắc giới thiệu với Trung ương Đoàn cho các hành trình tiếp theo; đồng thời tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội vì cộng đồng…

Hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tuân thủ hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, Câu lạc bộ hiện được tổ chức với 5 ban chuyên môn, 12 tổ, chi hội theo địa bàn công tác và sinh sống, trong đó có hai thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các cụm trải dài trong cả nước: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Trung du Bắc Bộ...

Riêng năm 2018, Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều chương trình hướng về biển, đảo như “Môi trường xanh cho biển, đảo Tổ quốc”, “Chăm lo hậu phương - Vững lòng biển đảo”, “Ốm có thuốc - Khám có thầy”; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua những hình thức sinh động, thu hút như xuất bản bộ bưu thiếp “Sắc màu Trường Sa”; triển lãm ảnh “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội”, “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”...

Đặc biệt, Câu lạc bộ đã huy động nguồn lực triển khai lắp đặt máy lọc nước NT-60 cho đảo An Bang với công suất 250 lít/giờ, lắp đặt máy lọc nước biển thành nước ngọt công suất 200 lít/giờ cho các đảo: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Tốc Tan C, Phan Vinh A; triển khai công nghệ vi sinh xử lý môi trường trực tiếp tới Trường Sa, hoàn thiện quy trình trước khi triển khai diện rộng trên quần đảo với 2 chế phẩm Medipag-20 và Bio-Active. Quy trình đã được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân.

Nhân dịp Tết Nguyên đán, Câu lạc bộ đã tổ chức tặng 3.500 phần quà cho bộ đội Trường Sa, Nhà giàn DK1 và đội tàu trực Tết; tổ chức tết Trung thu “Bố ở đảo xa - Con ở nhà có bạn”, biểu diễn nghệ thuật và tặng 3.300 phần quà cho con em cán bộ, chiến sĩ Trường Sa tại Bộ Tư lệnh Vùng 4, con em cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 tại Bộ Tư lệnh Vùng 2. Ngoài ra, Câu lạc bộ cũng gửi 1,5 tấn quả sấu tươi, đất mùn vi sinh, phân, giống cây trồng và 6.000 cây xanh ra đảo Trường Sa…

Năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục huy động nguồn lực sản xuất, lắp đặt các máy lọc nước, Câu lạc bộ đang nỗ lực triển khai diện rộng công nghệ vi sinh xử lý môi trường tại quần đảo Trường Sa, cấp chế phẩm vi sinh cho quần đảo; triển khai chương trình “Trường Sa xanh” cung cấp giải pháp đồng bộ: đất trồng, cây xanh, phân bón và công nghệ vi sinh; nghiên cứu giải pháp thu gom, xử lý rác thải vô cơ.

Từ tình yêu đối với biển, đảo thiêng liêng, năm 2014, Quỹ học bổng Vừ A Dính (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) đã thành lập Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” để kết nối những trái tim hướng về biển, đảo quê hương, cùng góp phần chăm lo cho các chiến sĩ, gia đình chính sách, con em của ngư dân và lực lượng kiểm ngư đang trực tiếp hoạt động trên biển để góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Mới đây, chương trình "Dấu ấn 5 năm vì biển, đảo quê hương" đã được tổ chức nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Câu lạc bộ.

Đánh giá về hoạt động của Câu lạc bộ, Bí thư Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu đã thực sự trở thành một hậu phương vững chắc, đầy tin yêu đối với cán bộ, chiến sĩ, là chất xúc tác của lòng yêu nước, giúp ngư dân yên tâm bám biển, động viên cán bộ, chiến sĩ cầm chắc tay súng bảo vệ biên cương nơi đầu sóng ngọn gió. Câu lạc bộ là mái nhà chung, là cầu nối chuyển tải những thông điệp yêu thương từ đất liền ruột thịt đến với biển, đảo thân yêu; từ những Việt kiều yêu nước ở khắp nơi trên thế giới hướng về Tổ quốc.

Sau 5 năm thành lập và hoạt động, Câu lạc bộ đã có 1.488 hội viên cá nhân, 93 hội viên tập thể trên khắp cả nước, tại các nước châu Âu, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan và trên 2.300 hội viên kết nối trên Facebook; đồng thời nhận được sự ủng hộ của 827 lượt tập thể, cá nhân với hơn 90 tỷ đồng; đã trao hơn 9.000 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các học sinh là con chiến sĩ hải quân và gia đình ngư dân  hoàn cảnh khó khăn; đưa 92 học sinh là con chiến sĩ hải quân và gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn vào Thành phố Hồ Chí Minh học tập từ lớp 6 đến hết lớp 12. 

Các hoạt động của Câu lạc bộ đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, kết nối những tấm lòng, những trái tim hướng về biển, đảo quê hương, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Triệu trái tim kiều bào hướng về biển, đảo Tổ quốc

Tuy rời xa đất nước đã hơn 40 năm, nhưng Tiến sĩ Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định, bản thân ông và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm, dõi theo tình hình đất nước, cũng như những khó khăn mà đất nước phải đối diện. Mỗi khi đất nước đứng trước thách thức về chủ quyền, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất quan tâm và mong muốn đóng góp phần nào công sức, trách nhiệm của mình vào công cuộc đấu tranh chung của dân tộc, vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng là của tất cả người dân Việt Nam, trong đó có cộng đồng hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Tiến sĩ Trần Bá Phúc, trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò tích cực, là cầu nối thông tin, vận động bạn bè thế giới cũng như nước sở tại, để họ hiểu hơn về tình hình Việt Nam, hiểu hơn về con người và sự đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Tiến sĩ Trần Bá Phúc khẳng định, trong bất cứ giai đoạn nào của đất nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm, hướng về đất nước bằng trái tim của người Việt Nam. Sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đem lại ảnh hưởng rất tích cực trong vận động ngoại giao, tuyên truyền về sự chính nghĩa của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã nhấn mạnh: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương.

Cộng đồng người Việt Nam tại Australia là một trong những cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên phát động đấu tranh để bảo vệ biển, đảo Việt Nam, khi vùng biển của Việt Nam bị xâm phạm; đồng thời đã phát động phong trào gây quỹ, quyên góp xây dựng trường học ở Trường Sa, vì học sinh Trường Sa thân yêu.

Tiến sĩ Trần Bá Phúc nhấn mạnh, bên cạnh sự đóng góp về vật chất, những món quà được cộng đồng người Việt tại Australia gửi gắm còn là sợi dây kết nối về mặt tinh thần, thể hiện trách nhiệm của những người con xa quê hương đối với Tổ quốc.

Khẳng định những việc làm ý nghĩa này sẽ được cộng đồng người Việt Nam tại Australia tiếp tục duy trì trong thời gian tới, ông Phúc cho rằng, phát động những phong trào yêu nước trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Australia nói riêng cũng là một phương thức góp phần gắn kết, giúp kiều bào ta cảm thấy mình được gần gũi hơn, là một bộ phận không tách rời với đất nước, để triệu triệu trái tim Việt Nam cùng chung nhịp đập, cùng chung tay khi đất nước đối diện với thách thức chủ quyền.

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, người Việt dù ở bất cứ đâu cũng mang trong mình dòng máu bất khuất, tình cảm thiêng liêng hướng về cội nguồn, góp phần tuyên truyền vận động, đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo TRẦN HIỀN HẠNH (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích