Nhiều diện tích rừng tại Bến Tre bị chết

20/09/2018 - 15:52

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, qua kết quả kiểm tra, diện tích rừng trồng (cây đước) bị chết đã lên tới 23,94 ha, tập trung ở huyện Ba Tri 9,84 ha và huyện Thạnh Phú 14,10 ha, chiếm tỷ lệ 18,82% diện tích của các lô rừng; trong đó, rừng phòng hộ là 10,54 ha, rừng đặc dụng 13,4 ha . Các diện tích rừng này được trồng từ năm 1985 đến năm 1997.

A A

Nhiều diện tích  rừng tại Bến Tre bị chết. (Ảnh: VTV).

Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre Phạm Văn Trường cho hay, từ năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng rừng đước trồng bị chết. Trung bình mỗi năm có từ 3 đến 5 ha rừng bị chết. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài diện tích rừng trồng bị chết ở Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú (lô rừng nhận khoán của ông Trần Văn Diện, ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong, với diện tích bị chết 2,68 ha) các khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng khác vẫn có hiện tượng rừng đước bị chết rải rác, có nơi đước bị chết theo đám với diện tích từ 0,3 - 2ha.

Theo ông Phạm Văn Trường, qua khảo sát, bước đầu xác định nguyên nhân cây rừng bị chết có thể do cạnh tranh về không gian dinh dưỡng, không đáp ứng việc điều tiết nước. Cụ thể, do rừng trước đây được trồng với mật độ dày (10.000 cây/ha), với mục đích sản xuất kinh doanh là chính, nhưng khi quy hoạch lại 3 loại rừng, địa phương đã chuyển sang rừng phòng hộ và đặc dụng.

Theo quy chế quản lý rừng đặc dụng nên không áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh ( tỉa thưa, chặt, nuôi dưỡng) tác động để điều chỉnh mật độ. Vì vậy, trong quá trình phát triển, cây rừng có sự cạnh tranh không gian dinh dưỡng (đất, nước, ánh sáng…) dẫn đến sự suy thoái, suy kiệt và chết dần.

Ngoài ra, trước đây Ban Quản lý rừng (Lâm Ngư trường Bến Tre) có xây dựng mô hình “lâm-ngư kết hợp”, mỗi ngư trường thường có 3 đến 5 cống đôi để điều tiết nước. Hiện nay, sau nhiều năm giao khoán, các ngư trường trên chỉ còn 1 đến 2 cống nhưng các cống đôi đã được thay thế bằng cống chiếc, nên không đáp ứng việc điều tiết nước cho ngập mặt đất rừng trong mùa Nam (từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch). Từ đó, cây rừng bị thiếu dưỡng chất (nước, phù sa) dẫn đến bị suy kiệt và chết.

Ngoài việc thống kê việc tích rừng bị chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo cho Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre thực hiện việc rà soát, lập hồ sơ quản lý rừng, đất rừng, nhất là việc điều chỉnh, bổ sung nội dung trong hợp đồng giao khoán, bảo vệ rừng cho chặt chẽ, cụ thể về quyền hưởng lợi và ràng buộc về nghĩa vụ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre yêu cầu Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre chỉ đạo các phân khu thường xuyên theo dõi diễn biến rừng, báo cáo kịp thời các diễn biến bất thường của cây rừng về phòng chuyên môn để tham mưu cho lãnh đạo giải quyết. Đồng thời, có sự nhắc nhở các hộ dân thực hiện nghiêm việc điều tiết nước trong các vuông tôm nuôi thích hợp để cây sinh trưởng phát triển.

Chi cục Kiểm lâm lồng ghép hướng dẫn việc chăm sóc rừng, điều tiết nước trong vuông tôm vào nội dung công tác tuyên truyền của đơn vị, phối hợp với Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre lập thủ tục xin thanh lý diện tích rừng chết theo đúng quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép khai thác tận thu diện tích rừng chết nêu trên để trồng tái tạo.

Về lâu dài, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre Phạm Văn Trường cho rằng, nên có đề tài nghiên cứu sinh trưởng của cây đước trên vùng đất Bến Tre để đánh giá lại tốc độ sinh trưởng, tuổi thành thục của rừng để có giải pháp nuôi dưỡng rừng tốt hơn.

Tỉnh Bến Tre hiện có hơn 4.197 ha rừng, tập trung ở các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Đến nay, tỉnh đã thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với diện tích là 2.642,37 ha cho 525 hộ và 23 tổ chức.

Theo TTXVN