Nhiều kết quả nổi bật năm 2017

16/01/2018 - 01:14

 - Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai thực hiện 188 nhiệm vụ KH&CN: 95 nhiệm vụ cấp tỉnh, 93 nhiệm vụ cấp cơ sở. Qua đó, góp phần cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất nông nghiệp (SXNN), giảm tiêu hao nguyên - vật liệu, năng lượng đầu vào, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh hóa học, giảm chi phí SX, hạ giá thành sản phẩm và tạo sản phẩm an toàn, chất lượng.

Giám đốc Sở KH&CN Tầng Phú An cho biết: "Hiệu quả rõ nét trong lĩnh vực NN đã xây dựng các giải pháp chuyển đổi cơ cấu SXNN; chọn tạo thành công 2 dòng lúa nếp có khả năng chống chịu đổ ngã, ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt cho huyện Phú Tân; xây dựng thành công mô hình mẫu về giải pháp kỹ thuật hồ chứa nước thủy lợi vùng cao cho 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; lắp đặt thành công hệ thống cảm biến cảnh báo môi trường nước cho vùng nuôi tôm xã Phú Thuận (Thoại Sơn)”. Đã thực hiện được việc tuyển chọn cây đầu dòng các giống cây ăn quả: chúc, xoài thanh ca đen và mãng cầu ta, cây giống tốt nhãn Mỹ Đức và sầu riêng núi Cấm; tạo ra cây giống rau sạch bệnh, giảm lượng hao hụt cây con từ 10% xuống còn 3% tại khâu gieo ươm; tự động hóa, trồng thử nghiệm thành công cây dưa leo bằng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp nuôi ong thụ phấn trong nhà lưới tại xã Bình Thạnh (Châu Thành)…

Trong lĩnh vực du lịch (DL), đã xây dựng nhiều mô hình: DL sinh thái cho khu vực lòng hồ Tân Trung - Vàm Nao (Phú Tân); bảo tồn đa dạng thực vật tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên); DL homestay trong cộng đồng người Khmer kết hợp làng nghề cho huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Các mô hình cây ăn trái phục vụ DL tại núi Cấm, núi Sam và núi Sập; tour DL mùa nước nổi kết hợp văn hóa Chăm tại búng Bình Thiên…

Lợi thế vùng Thất Sơn - Bảy Núi, tỉnh phát triển mạnh cây dược liệu. Định danh được các loài cây dược liệu như: ngải trắng, ngải bún, sầu đâu, cà gai leo. Tìm được công thức ly trích tinh dầu tối ưu từ lá và vỏ quả chúc; xác định tính kháng viêm từ tinh dầu chúc; hạ đường huyết từ cao chiết lá sầu đâu có tác dụng bảo vệ gan, ổn định đường huyết, hạ lipid máu. Đặc biệt, sưu tập 80 giống và chọn lọc 10 giống dược liệu có tiềm năng ở An Giang để phục vụ công tác bảo tồn và nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật, giâm cành, khí canh...

Ông An cho biết: "Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đã tổ chức thực hiện 110 nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển NN ứng dụng công nghệ cao (56 nhiệm vụ cấp tỉnh, 58 nhiệm vụ cấp cơ sở). Đã chọn tạo được một số loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp: giống lúa nếp, giống lúa đặc sản; SX giống tôm càng xanh toàn đực; sinh sản nhân tạo một số loại cá nước ngọt; xây dựng mô hình nuôi cá điêu hồng giống Ecuador trong lồng bè theo quy trình VietGAP tại làng bè xã Mỹ Hòa Hưng; đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi ghép ếch Thái Lan kết hợp cá sặc rằn trong ao đất tại huyện Châu Phú...“. 

Ứng dụng và chuyển giao các quy trình canh tác mới, hiệu quả và có triển vọng phát triển, như: Xây dựng 2 mô hình vườm ươm các loại cây giống rau tại huyện An Phú và Chợ Mới; xây dựng trồng cây thanh long ruột đỏ tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, hiện tại đang thu hoạch và theo dõi sự phát triển của cây; xây dựng hiệu quả mô hình trồng nấm ăn và nấm dược tại Trại Thực nghiệm KH&CN; trồng thử nghiệm thành công cây cà tím gốc ghép tại Chợ Mới, An Phú và TX. Tân Châu. Phát triển mới các mô hình dịch vụ và công nghệ SX liên quan đến cơ giới hóa, tự động hóa, như: trồng thử nghiệm thành công cà chua bi và dưa lưới trong nhà màng ứng dụng hệ thống tưới tự động; trồng và thu bào tử từ nấm linh chi đỏ có sử dụng máy tạo ẩm bằng sóng siêu âm và thiết bị điều khiển bằng điện thoại di động...

 Sở KH&CN An Giang đã phát triển các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị SXNN. Điển hình như: mô hình đa canh ứng dụng công nghệ cao tạo cảnh quan phục vụ DL tại TP. Châu Đốc; nghiên cứu đánh giá khả năng thích nghi và sinh trưởng của cừu Phan Rang nuôi thịt tại huyện Tịnh Biên; thử nghiệm thành công mô hình trồng măng tây xanh tại vùng chuyên canh màu xã Bình Thạnh; nghiên cứu đa dạng hóa các dòng rượu vang thốt nốt; nghiên cứu đa dạng các sản phẩm trà từ nguồn dược liệu được trồng tại An Giang...

Nhiều kết quả nổi bật năm 2017

Sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU