Nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

21/05/2019 - 14:45

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận 2 kỳ họp (kỳ họp 5 và 6); được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Nhiều nội dung cơ bản đã được tiếp thu, chỉnh lý như: quy định hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp THPT.

Sáng 21-5, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ tính chất mở, liên thông, phân luồng và bổ sung chính sách, cơ chế để thực hiện phân luồng, liên thông.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, để làm rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, Dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông, làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam để tạo điều kiện cho quá trình liên thông giữa các cấp đào tạo và các hệ thống đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đề xuất học sinh tốt nghiệp THCS được học lên thẳng cao đẳng

Có ý kiến đề nghị học sinh học hết THCS được học lên thẳng trình độ cao đẳng, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho hay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp thu ý kiến đại biểu, để làm rõ hơn về cơ chế liên thông, tạo thuận lợi cho người học được học liên thông và giải quyết vấn đề phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, Dự thảo Luật quy định người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Có ý kiến đề nghị người học đã học xong trình độ cao đẳng nhưng không có bằng THPT được học liên thông thẳng lên trình độ đại học.

UBTVQH cho rằng, nguyên tắc liên thông là chuẩn trình độ, kiến thức năng lực theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam; tạo nhiều con đường để người học nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Theo quy định của Luật GDĐH, việc tuyển sinh GDĐH thực hiện theo cơ chế tự chủ, nguồn tuyển sinh trình độ đại học bao gồm học sinh tốt nghiệp THPT, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp. Do vậy, Dự thảo Luật chỉ nêu nguyên tắc: Liên thông lên cùng nhóm ngành nghề hoặc khi chuyển sang nhóm ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phải đáp ứng yêu cầu nội dung, chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam; giao Chính phủ quy định quy trình liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa

Về ý kiến xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước, theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa GDPT trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình GDPT thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ GDĐT ban hành; sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình GDPT.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, hiện nay Bộ GD&ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022. Vì vậy, UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong Dự thảo Luật.

Để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa GDPT, Dự thảo Luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Ủy ban Nhân dân các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh. Đồng thời Luật cũng quy định quy trình chọn sách giáo khoa tại địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Luật không quy định cụ thể phương thức, quy mô tổ chức thi tốt nghiệp THPT

Một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học; có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.

UBTVQH cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.

Theo đó, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi. Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật GDĐH và Luật GDNN.

Hỗ trợ học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí

Về các quy định liên quan đến nhà giáo, một số đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ về tuyển sinh, đào tạo sư phạm; có ý kiến cho rằng chính sách vay tín dụng sư phạm chưa bảo đảm tính khả thi khi triển khai trong thực tiễn. Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết, hiện nay Chính phủ đang tổ chức quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, xây dựng mạng lưới các trường sư phạm trọng điểm; chuẩn hóa chương trình đào tạo sư phạm. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Luật chỉ quy định nguyên tắc, vấn đề quy hoạch trường sư phạm, xây dựng chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội sẽ được quy định trong văn bản dưới luật.

Về chính sách vay tín dụng sư phạm, UBTVQH cho rằng chính sách này nhằm thu hút các học sinh khá, giỏi vào học sư phạm, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục. Tuy nhiên việc vay tín dụng phải thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng chuyển chính sách tín dụng sư phạm sang hình thức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Trong trường hợp, học sinh, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định thì phải hoàn trả toàn bộ kính phí hỗ trợ cho nhà nước.

Nhiều đại biểu đề nghị quy định chuẩn nhà giáo và cân nhắc lộ trình của việc nâng chuẩn đào tạo đối với giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn nhà giáo về phẩm chất, tư tưởng, đạo đức; trình độ chuẩn; kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tiễn, về tầm quan trọng phát triển trí tuệ, phẩm chất của lứa tuổi trẻ em, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, UBTVQH đề nghị giữ quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non như Dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, tiếp thu ý kiến đại biểu Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS để không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục./.

Theo MỸ ANH (Đảng Cộng sản Việt Nam)