Nhiều quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành

02/01/2019 - 07:33

 - Đó là các Luật An ninh mạng, Tố cáo, Quốc phòng, Lâm nghiệp, Quy hoạch, Thủy sản, Đo đạc và bản đồ, Thể dục - thể thao và Bảo vệ bí mật của nhà nước...

Nghiêm cấm thông tin sai sự thật trên mạng

Luật An ninh mạng có 7 chương, 43 điều, với 20 nhóm hành vi quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng. Cụ thể, luật cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang; cấm hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; cấm đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác, phá hoại thuần phong, mỹ tục; cấm xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội… trên mạng, phù hợp thông lệ quốc tế.

Ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp triển khai luật

Luật yêu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam theo quy định. Riêng doanh nghiệp nước ngoài phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo

  Luật Tố cáo năm 2018 có 9 chương, 67 điều, thêm 1 chương mới nói về trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo. Trong đó, nội dung đáng chú ý là quy định việc tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo nặc danh, mạo danh. Cụ thể, trường hợp thông tin tố cáo có nội dung rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về người có hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, thanh tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền, hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác quản lý. Người tố cáo rút đơn nhưng có hành vi vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo vẫn phải chịu trách nhiệm; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định. Luật mới quy định người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung hoặc một phần tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận. Việc rút đơn tố cáo thực hiện bằng văn bản, không bằng hình thức fax hay email.

Quy hoạch phải được công bố công khai

Luật Quy hoạch có 6 chương, 59 điều quy định hệ thống quy hoạch gồm: cấp quốc gia; cấp vùng; cấp tỉnh; quy hoạch đô thị, nông thôn; quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định. Luật Quy hoạch nghiêm cấm hành vi không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước. Tương tự, hành vi cố ý công bố sai thông tin quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu liên quan đến quy hoạch cũng bị nghiêm cấm. Ngoài ra, chậm nhất 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt, toàn bộ nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Các quy định liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước (BMNN), thời hạn, gia hạn bảo vệ BMNN được quy định trong Luật Bảo vệ BMNN. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục BMNN gồm: tuyệt mật, tối mật và mật trên cơ sở đề xuất của người có trách nhiệm lập danh mục BMNN và thẩm định của Bộ Công an (trừ danh mục thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Quốc phòng). Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với BMNN độ tuyệt mật là 30 năm, độ tối mật là 20 năm, độ mật là 10 năm. Đây là quy định tiến bộ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật quy định khi hết thời hạn bảo vệ, nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định BMNN quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ BMNN, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ nêu trên.

Phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc

 Luật Quốc phòng năm 2018 có 7 chương, 40 điều, giảm 2 chương và 11 điều so Luật Quốc phòng năm 2005. Đây là luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Luật thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan. Luật có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Liên quan đến phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ, Luật Quốc phòng bổ sung quy định về phòng thủ thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.

Đặt cược thể thao  

Luật Thể dục - thể thao (TDTT) có 9 chương, 79 điều quy định chính sách phát triển TDTT quần chúng; trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phát triển TDTT; trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để người lao động trong đơn vị mình tham gia hoạt động TDTT. Một trong những điểm mới quy định tạo mọi điều kiện để người khuyết tật tham gia TDTT, các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng. Đáng chú ý, hình thức dự đoán kết quả các sự kiện thể thao được đặt cược. Doanh nghiệp thực hiện hình thức giải trí này phải có giấy phép hoạt động.

N.R