Nhiều tiềm năng xuất khẩu rau, hoa, quả

22/10/2019 - 19:43

Ngành rau, hoa quả Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực Á – Âu. Nhưng để tận dụng được cơ hội đó cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Xuất khẩu rau, hoa, quả những chuyển động mới từ thị trường Á – Âu do Công ty VEAS tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 22-10. 

Chế biến, sơ chế hoa quả để giữ được sản phẩm tươi ngon ngay sau khi thu hoạch là yêu cầu căn bản cho xuất khẩu nông sản. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Dư địa lớn, thách thức không nhỏ

Bà Đặng Thanh Phương - Phó Trưởng phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn 2011 – 2018, rau quả là một trong những nhóm hàng xuất khẩu ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam với mức tăng trưởng đạt 26,5%/năm. Riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng gạo, tiêu, chè để trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp nông thôn.

Mặt hàng rau quả của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ước tính, dung lượng tiêu thụ hàng rau quả  toàn thế giới mỗi năm đạt khoảng 240 tỷ USD, đây chính là cơ hội lớn để ngành rau hoa quả Việt Nam tiếp tục phát triển.

Về thị trường xuất khẩu, châu Á chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam; trong đó, đứng đầu là Trung Quốc, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á.

Theo bà Đặng Thanh Phương, xuất khẩu rau quả Việt Nam đến các thị trường châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu hầu hết đều đã về 0% do thực thi các hiệp định thương mại tự do. Mặc dù vậy, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường châu Á đang gặp thách thức lớn do sự thay đổi về chính sách nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc có quy định khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đánh giá rủi ro phức tạp, kéo dài thì Trung Quốc cũng chuyển từ giao dịch biên mậu sang nhập khẩu chính ngạch, đồng thời áp dụng các chính sách thắt chặt kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu.

Với thị trường châu Âu, ông Willem Schoustra - Tham tán nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản, rau quả của EU rất lớn. Việt nam có lợi thế sản xuất các loại rau củ nhiệt đới với chủng loại đa dạng, phong phú. Cộng với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam mà điển hình là rau, hoa, quả sẽ được mở cửa để tiếp cận thị EU trường tốt hơn.

Tuy nhiên, thách thức mà nông sản Việt Nam nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng đang đối mặt đó là đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc bởi những quy định khắt khe của EU về chất lượng thực phẩm.

Cùng quan điểm, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, khác với thị trường ở châu Á, EU không cần thực hiện quy trình đánh giá rủi ro với các loại rau và hoa quả khi nhập khẩu nhưng quy định rất chặt chẽ về mức độ dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật; thậm chí áp dụng các biện pháp hạn chế, cấm nhập khẩu khi phát hiện các mối nguy cụ thể.

Vì vậy, dù EVFTA đi vào thực thi, nông sản, rau quả Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về thuế nhưng chưa hẳn đã có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU.

Nâng cao chất lượng nông sản

Theo các chuyên gia, những năm tới, thị trường Á-Âu tiếp tục là khu vực xuất khẩu nông sản, rau, quả chủ yếu của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành rau quả phải nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ông Lê Thanh Hòa cho rằng, muốn nâng cao chất lượng nông sản phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi; trong đó, người sản xuất phải áp dụng các qui trình sản xuất tốt, đạt chứng nhận theo yêu cầu của thị trường và thực hành vệ sinh tốt trong quá trình thu hoạch, bao gói sản phẩm. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết chặt chẽ với nông dân để đảm bảo nguồn cung và giám sát việc truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Mặt khác, cần xây dựng kênh trao đổi thông tin qui định về an toàn thực phẩm của thị trường giữa cơ quan quản lý và nhà sản xuất, xuất khẩu; thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo đúng lúc, chính xác. Các cơ quan quản lý cần quy hoạch các vùng trồng, sản xuất hợp lý và giám sát các mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng nông sản như vi sinh vật, sử dụng thước bảo vệ thực vật, hóa chất; đồng thời, xây dựng chiến lược xuất khẩu rau quả cho từng thị trường cụ thể để tận dụng tối đa các lợi thế gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu.

Bà Đặng Thanh Phương cho rằng, chất lượng nông sản Việt Nam chưa đồng đều và ổn định là do sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu tiêu chuẩn cụ thể. Do đó, người sản xuất cần chuyển đổi phương thức sản xuất sang tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao nhằm cải thiện chất lượng nông sản.

Bên cạnh đó, người sản xuất cũng cần thay đổi tư duy “bán thứ mình có” sang “bán thứ thị trường cần” bằng cách chủ động nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu; tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao để nâng cao biên độ lợi nhuận và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Chuyên gia nước ngoài khuyến nghị, Việt Nam cần kiểm soát tốt việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng rau, quả, bởi đây là vấn đề chính mà nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp phải thời gian qua. Với những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, việc phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng có thể dẫn đến biện pháp hạn chế xuất khẩu lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành sản xuất tại Việt Nam.

Cùng với việc hội nhập, nông nghiệp Việt Nam cũng cần nhanh chóng thích nghi bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế hoặc tương đương; đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững để khai thác hiệu quả ưu đãi thuế quan vào việc thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh của mình.

Theo XUÂN ANH (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích