Nhiều trẻ lây vi khuẩn gây ung thư dạ dày từ bố mẹ

27/05/2019 - 14:17

Theo báo cáo nghiên cứu có đến 96,2% trẻ dưới 8 tuổi bị nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) khi có bố mẹ, người thân trong gia đình nhiễm loại vi khuẩn có thể gây ung thư dạ dày này.

Đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị khoa học về tiêu hóa gan mật do Viện nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật Việt Nam tổ chức nhân 1 năm kỷ niệm thành lập viện.

Phó giáo sư (PGS) Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng của viện này cảnh báo tình trạng nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ em đang tăng cao, đặc biệt là với trẻ nhỏ dưới 8 tuổi.

Theo đó, tỷ lệ nhiễm H.p (+) chung là 85,9% trong khi tỷ lệ nhiễm H.p (+) ở trẻ em dưới 8 tuổi là 96.2%. Điều này hoàn toàn ngược lại so với tỷ lệ ở các nước phát triển, trẻ em là đối tượng nhiễm H.p rất thấp – người lớn chiếm khoảng 80% và trẻ em chỉ khoảng 20%.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo PGS.TS Thắng bắt nguồn từ nhiều thói quen xấu của người Việt như mớm cơm cho con, ăn chung đũa, chung thìa, dung chung bàn chải đánh răng, ăn thực phẩm nhiễm khuẩn chưa được nấu chín hay trẻ có thể lây nhiễm từ lớp học bán trú...

Nhai mớm cơm cho trẻ là một trong những con đường lây nhiễm vi khuẩn có hại

"Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải cứ có khuẩn HP là bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, vi khuẩn HP chính là yếu tố gây ra viêm loét dạ dày và bệnh cứ tái đi tái lại.

Tổ chức ung thư quốc tế cũng xem như HP là thủ phạm số 1 gây ra ung thư dạ dày và khuyến cáo không có HP sẽ giảm ung thư dạ dày”, PGS Thắng cho biết.

Tại Việt Nam dù viêm loét dạ dày không phải chỉ riêng HP gây ra nhưng sự tồn tại của HP trong niêm mạc dạ dày - tá tràng rất cao.

Cùng quan điểm này, GS.TS Đào Văn Long, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, có trên 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP, một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, nhiều người Việt vẫn có thói quen có bệnh tự chữa. Khi có dấu hiệu đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi chứ không có ý thức đi khám. Hoặc giả đi khám nhưng lại ngại nội soi dạ dày.

GS Long khuyến cáo với những người có bệnh lý đường tiêu hóa cần chủ động đi khám, nội soi dạ dày ngay khi có dấu hiệu đau dạ dày, ăn uống khó tiêu, nôn, buồn nôn… Những người từng bị chẩn đoán viêm loét dạ dày hay bị các rối loạn tiêu hóa mà điều trị nội khoa lâu không đỡ cũng cần đi nội soi lại để kịp thời phát hiện bệnh.

Những bệnh lý ở đường tiêu hóa trên như trào ngược dạ dày thực quản, ợ hơi, nóng rát, co thắt tâm vị với những triệu chứng điển hình hoặc không điển hình. Bên cạnh các phương pháp truyền thống như nội soi, khám và điều trị trên lâm sàng thì hiện nay đã có thêm các kĩ thuật mới, có thể kể đến như: định lượng pepsin hay còn gọi là dịch dạ dày trong nước bọt, đo pH và trở kháng 24 giờ ở niêm mạc thực quản, nội soi độ phân giải cao và nhuộm màu ảo, đo điện thế niêm mạc đường tiêu hóa trên hoặc đo HRM – đo nhu động co bóp đóng mở của thực quản và các hệ thống van của nó… Từ đó giúp các bác sĩ xác định được bệnh nhân có bị mắc các bệnh lý đường tiêu hóa trên hay không.

Theo Vietnamnet