Nhiều ý kiến không đồng ý mở rộng đối tượng kiểm toán

11/03/2019 - 13:45

Sáng nay 11-3, tại Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.

Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Quá trình tổng kết 3 năm thi hành Luật cho thấy, nhiều vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết, một số quy định bất hợp lý như phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật KTNN với các luật khác có liên quan; tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan...

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban và các đại biểu dự họp nhận thấy, Luật KTNN mới ban hành và thực hiện trong 3 năm, mặc dù có phát sinh một số bất cập, vướng mắc nhưng về cơ bản, các quy định của Luật vẫn phù hợp với thực tiễn, phần lớn các vướng mắc không thực sự đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung.  

Theo ông Nguyễn Đức Hải, trong số 18 nội dung thì chỉ có 5 nội dung Thường trực UBTCNS đồng tình với dự thảo luật; 2 nội dung đề nghị chỉnh sửa lại; 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến chưa đồng tình vì không thực sự cần thiết hoặc chưa bảo đảm công bằng và đề nghị giữ như Luật hiện hành. Hơn nữa, nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung thể hiện trong Dự thảo luật chưa nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành liên quan.  

UBTCNS đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại dự thảo Luật theo hướng chỉ đề xuất sửa đổi những nội dung thực sự cần thiết; nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động để tránh chồng chéo với cơ quan thanh tra theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.  

Vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất là đề xuất của cơ quan soạn thảo về đơn vị được kiểm toán. Dự thảo về đơn vị được kiểm toán, KTNN đề xuất bổ sung đơn vị được kiểm toán vào khoản 13 Điều 55: “Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tàỉ nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng KTNN quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định tại Khoản này”.


Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiểm toán sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Thường trực UBTCNS cho rằng, nội dung đề xuất như Tờ trình về bản chất là mở rộng đơn vị được kiểm toán so với quy định của Luật hiện hành. Đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành vì theo quy định của Luật Quản lý thuế, khái niệm “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Do đó, quy định như dự thảo Luật sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện đơn vị được kiểm toán. Như vậy chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế, không bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đồng thời, người nộp thuế chỉ góp phần tạo lập, không tham gia vào quy trình quản lý, sử dụng tài chính công nên chỉ có vai trò phối hợp cung cấp thông tin trong quá trình kiểm toán.

Bên cạnh đó, một số nội dung thể hiện trong Tờ trình lý giải cho việc bổ sung đối tượng được kiểm toán chưa thực sự thuyết phục vì các khó khăn, vướng mắc này chủ yếu phát sinh từ thực tiễn hoạt động, do công tác tuyên truyền, phối hợp của các cơ quan liên quan, không xuất phát từ bất cập của Luật hiện hành, không đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật.

Đồng tình về quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Việc sửa đổi Luật KTNN tôi đồng tình nhất trí, nhưng những nội dung trong Luật KTNN khi đề cập kiểm toán người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tàỉ nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công…  thì cần cân nhắc để phù hợp với phạm vi hoạt động của kiểm toán”.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, KTNN thực hiện kiểm toán tài sản, tài chính công, còn người nộp thuế không phải là người tham gia vào lĩnh vực này. Người nộp thuế là đối tượng chịu sự quản lý của cơ quan thuế nên việc cơ quan kiểm toán tới kiểm toán người nộp thuế liệu có khả thi - điều này cần cân nhắc. Vô hình chung sẽ có rất nhiều đối tượng phải được kiểm tra, kiểm soát, cho nên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN cần cân nhắc.

Trên thực tế, trong thời gian qua, với các quy định hiện hành, KTNN vẫn thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán đối với các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài nguyên, khoáng sản của đơn vị được kiểm toán. Trong trường hợp KTNN yêu cầu, các đối tượng này vẫn phải có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin theo quy định. Việc không chỉ rõ đối tượng được kiểm toán và quy định theo hướng “tổ chức khác” là chưa bảo đảm tính cụ thể của Luật và giao “Tổng KTNN quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định” có thể dẫn đến thiếu minh bạch, cụ thể, chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng được kiểm toán, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, theo quy định hiện nay, cơ quan kiểm toán có thể vào làm việc với các đối tượng người nộp thuế, cần phải bổ sung làm rõ các đối tượng này là cần thiết vì yêu cầu đặt ra là thu đúng, thu đủ, chống chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế. Trong quá trình cơ quan kiểm toán làm việc với cơ quan thuế, nếu thấy có dấu hiệu ở đối tượng nộp thuế cần phải làm rõ thì lúc đó mới phải kiểm toán, không phải là mở rộng tất cả các đối tượng bởi điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thêm thủ tục hành chính.

“Khi kiểm toán thấy rằng anh này, tổ chức kia có dấu hiệu thì tại sao không cho vào để kiểm toán, làm rõ việc giữa cơ quan thuế và người nộp thuế đang có biểu hiện móc ngoặc với nhau?”, ông Vũ Hồng Thanh. Ông cho rằng, đối với những đối tượng có dấu hiệu thì nên cho phép kiểm toán vào để làm rõ hành vi này, không đại trà tất cả đối tượng là người nộp thuế. "Chúng ta có tới hàng triệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, kiểm toán không đủ sức kiểm toán đại trà như vậy"- ông Vũ Hồng Thanh phát biểu.

Kết luận về phiên họp cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Chúng ta thống nhất cần sửa đổi Luật KTNN, nhưng cũng cần rà soát lại, bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tránh được sự trùng lắp với các Luật khác, không phá vỡ những điều mà pháp luật đã đề cập. Về hồ sơ của Luật, KTNN cần hoàn chỉnh, phải có ý kiến của Chính phủ. Đối tượng kiểm toán không mở rộng so với Điều 4 của Luật KTNN hiện hành, mà chỉ làm rõ những người có liên quan trong việc kiểm toán.

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán có nêu “Cho phép kiểm toán xử phạt hành chính, ra quyết định truy thu thuế…, tôi đề nghị KTNN nên xem xét thêm và cần tính toán để phù hợp với Luật quản lý Thuế”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển kết luận.

Theo VIẾT TÔN (Báo Tin tức)