Nhiều yếu tố giá tác động đến giá tiêu dùng 6 tháng cuối năm

30/06/2018 - 14:20

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Lý giải CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy do các địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tăng học phí. Cụ thể, giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng tác động làm CPI của nhóm dịch vụ y tế 6 tháng tăng 25,68% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI bình quân 6 tháng tăng 0,99%. Giá dịch vụ giáo dục tăng 7,06%, góp phần làm CPI bình quân 6 tháng tăng 0,37%.

Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm tăng khá mạnh làm giá xăng dầu bình quân 6 tháng tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,59% vào mức tăng CPI chung.

Tháng 6-2018 là tháng 6 có mức tăng CPI cao nhất trong 7 năm qua. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Trước đó, giá các mặt hàng lương thực tăng 4,29% so với cùng kỳ năm trước do giá gạo tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và tăng theo giá gạo xuất khẩu, làm CPI tăng 0,19%. 

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng do nhu cầu xây dựng tăng, giá xi măng và giá phôi thép, thép thành phẩm đều tăng cũng khiến CPI tăng lên.
Ngoài ra, còn một số yếu tố khiến CPI 6 tháng tăng như việc tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ ngày 1-1-2018 làm giá bình quân một số dịch vụ như sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ thuê người giúp việc… tăng từ 2%-8% so với cùng kỳ năm trước. 

Dự báo về những  tháng cuối năm, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng có những nhóm yếu tố tác động đến CPI 6 tháng cuối năm. 

Cụ thể, CPI sẽ bị tác động từ nhóm yếu tố điều hành như từ tháng 7 này sẽ tăng lương cơ sở 90.000 đồng nên khả năng sẽ ảnh hưởng tới khu vực dịch vụ sử dụng nhân công. Giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình của Nghị định 86-2015-NĐ-CP cũng sẽ tiếp tục tăng vào tháng 9-2018.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế có yếu tố kiềm chế lạm phát đó là theo Thông tư 15-2018-TT-BYT có hiệu lực vào 15-7 điều chỉnh định mức tiêu hao vật tư ở một số dịch vụ, theo đó giá một số dịch vụ y tế giảm như dịch vụ giường nằm giảm 17.300 đồng, … cũng sẽ góp phần kiềm chế lạm phát trong 6 tháng tới. 

Tuy nhiên, “Dự kiến sẽ tăng tiền lương từ dịch vụ y tế, điểu chỉnh mức lương cơ sở và điều chỉnh mức 3 với chi phí chung của dịch vụ y tế; Chính phủ đề xuất sẽ tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên kịch khung từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng, tăng là 1.000 đồng-lít với xăng; mỗi lít dầu diezen tăng 500 đồng, mỗi lít dầu hoả tăng 1.500 đồng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, những tác động này sẽ khiến CPI tăng khoảng 0,27-0,29%”, bà Đỗ Thị Hồng nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm, nhóm yếu tố về thị trường cũng sẽ tác động tới chỉ số giá. Dù bình quân 6 tháng thì giá thịt lợn giảm, nhưng tại thời điểm tháng 6 giá thịt lợn tăng 18,9% so với tháng 12 năm trước, là mức tăng khá cao đóng góp vào CPI 6 tháng. Vì thế đây cũng là một yếu tố tiềm ẩn cho chỉ số giá 6 tháng cuối năm, vì có thể tháng tới giá thịt lợn vẫn ở mức tăng. Ngoài ra, tiêu dùng thực phẩm cuối năm cũng là yếu tố tác động đến CPI. 

Tuy nhiên theo bà Hồng, một yếu tố rủi ro khiến công tác dự báo sẽ gặp khó khăn là giá xăng dầu.

“Những ngày gần đây giá xăng dầu lại tiếp tục tăng do nhu cầu thế giới tăng. Việc Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran và gần đây ngày 26-6 Mỹ đã kêu gọi đồng minh không mua xăng dầu của Iran khiến lượng cung dầu sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng-ngày, trong khi hiện tại mức cung là 2 triệu thùng-ngày. Các nước OPEC cũng đã cam kết sẽ tăng sản lượng nhưng tăng không như dự kiến ban đầu, chỉ khoảng 1-3”, bà Hồng cho biết. 
Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết, môi trường cũng sẽ thách thức công tác dự báo. Những tháng cuối năm thường xảy ra thiên tai (vào tháng 8, 9, 10, 11) nên đây cũng là yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến lạm phát 6 tháng cuối năm.

Theo XUÂN PHONG (Báo Tin Tức)