Nhìn lại 10 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật

14/05/2018 - 07:44

 - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới”. Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống VH tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng lên, nhiều giá trị VH truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát huy, có gắn kết với những giá trị mới trong quá trình hội nhập. Đặc biệt, lĩnh vực VHNT của tỉnh có nhiều đổi mới, năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với VHNT được nâng cao.

Các chương trình văn hóa, nghệ thuật được quan tâm đầu tư, nâng chất

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quán triệt NQ 23 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 20 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện NQ sâu rộng đến tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, hành động của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa, tầm quan trọng của VHNT trong đời sống xã hội.

Qua 10 năm triển khai thực hiện NQ 23 trên địa bàn tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia sáng tác, biểu diễn đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, nhiệt tình, bám sát nhiệm vụ chính trị, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là quảng bá sâu rộng các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến.

Công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của đời sống VHNT của tỉnh được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức. Trên các phương tiện thông tin đại chúng xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục.

Điển hình, tiết mục “Mỗi tuần một cuốn sách” đã giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm của các tác giả An Giang. Các chương trình truyền hình “Âm vang miền Tây”, “Giai điệu phương Nam”, “Biên giới khúc tình ca”, “Nghệ sĩ và An Giang”, “Gặp gỡ nghệ sĩ An Giang” được quan tâm, đầu tư và tạo được ấn tượng trong lòng công chúng. Đồng thời, chú trọng hình thức cổ động trực quan, văn nghệ và tuyên truyền miệng.

Công tác phát triển hội viên mới luôn được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có trên 780 văn nghệ sĩ. Đội ngũ văn nghệ sĩ luôn ý thức trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết trong sáng tác, với nhiều tác phẩm hay, có giá trị NT cao và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác toàn quốc và khu vực.

Nhiều văn nghệ sĩ đã tạo dựng được tên tuổi, uy tín trên diễn đàn VHNT, đạt được những danh hiệu cao quý (nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ dân gian). Đặc biệt, có những người con quê hương An Giang đạt được giải thưởng Hồ Chí Minh (nhà văn Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Hoàng Hiệp).

Bên cạnh đó, phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì, phát triển rộng khắp, nhiều nhóm ca nhạc, đờn ca tài tử phát triển mạnh, tạo sự phong phú, đa dạng trong hoạt động biểu diễn và thưởng thức văn nghệ trong quần chúng Nhân dân. Các hoạt động giao lưu văn hóa với các địa phương trong nước, quốc tế (Campuchia, Ấn Độ…) được tăng cường.

Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc trên địa bàn được quan tâm thực hiện, nhiều giá trị văn hóa được phục dựng, bảo tồn và phát huy, như: viết kinh Phật trên lá Buông, diễn tấu đàn Chà Pây, dàn nhạc ngũ âm, lễ hội đua bò… của người Khmer; nghiên cứu, sưu tầm họa tiết hoa văn nghề dệt thổ cẩm, nghi thức vòng đời, các bài hát mang âm hưởng dân ca của người Chăm… giúp đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú, đa dạng.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả NQ 23 của Bộ Chính trị (khóa X), các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực VHNT. Đồng thời, nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của VHNT đối với đời sống xã hội.

Tập trung xây dựng và phát triển mạnh mẽ VHNT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng hơn nữa công tác lý luận, phê bình VHNT; tăng cường sáng tác các tác phẩm có chất lượng về nội dung và giá trị nghệ thuật để hưởng ứng và phản ánh sự thắng lợi của các phong trào hành động cách mạng, các cuộc vận động lớn do Đảng, Nhà nước phát động; các tác phẩm dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, NT ở cơ sở để hình thành nền tảng cho hoạt động VHNT chuyên nghiệp. Phát triển đồng đều các bộ môn NT; xác định bộ môn thế mạnh của tỉnh để đầu tư phù hợp.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích