Nhìn lại chiến thắng lịch sử 7-1-1979

28/12/2018 - 07:52

 - Sắp bước sang năm mới 2019, chúng ta nói nhiều về những điều tốt đẹp và khát vọng phát triển trong tương lai. Thế nhưng, vẫn cần dành thời gian để nhắc lại câu chuyện của 40 năm trước, về một chiến thắng lịch sử của tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng: chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân-dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2019).

Tội ác diệt chủng, xâm lấn biên giới

Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày (từ tháng 4-1975 đến cuối năm 1978), chế độ Pôn Pốt đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, xóa bỏ mọi cơ sở xã hội, xóa bỏ thành thị, xóa bỏ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, xóa bỏ quan hệ tiền tệ, buôn bán và đẩy Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong. Chế độ hà khắc ban hành đã trùm lên đất nước Campuchia đau thương: “Không tự do đi lại, không tự do hội họp, không tự do ngôn luận, không tự do tín ngưỡng, không tự do học hành, không tự do hôn nhân, không bệnh viện, không tiêu tiền, không buôn bán, không chùa chiền... và không có cả nước mắt để khóc trước cảnh đau thương của dân tộc. Chỉ còn căm thù và uất hận”.

Một lễ giỗ nhà mồ tập thể tại thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn)

Được các thế lực phản động nước ngoài hậu thuẫn, tập đoàn phản động Pôn Pốt chủ trương phá nát mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia; vu khống Việt Nam, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; kích động xét lại quan hệ 2 nước, đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Campuchia, vô cớ coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới, giết hại dân thường.

Năm 1975, Pôn Pốt đã cho quân xâm lược các đảo, biên giới đất liền Tây Nam nước ta. Đêm 30-4-1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Trong khi đó, sau chiến thắng 1975, nhân dân Việt Nam tha thiết mong muốn hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước. Chúng ta đã thực hiện chủ trương giảm quân thường trực, kể cả các quân khu ở phía Nam để tập trung cho nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và xây dựng, phát triển đất nước. Bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao hòa bình của Việt Nam, tập đoàn Pôn Pốt ra sức tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, chủ động gây ra các vụ xung đột, lấn chiếm biên giới Tây Nam Việt Nam. Đi đến đâu, chúng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em Việt Nam. Trong gần 2 năm, Pôn Pốt giết hại và bắt hơn 30.000 dân thường tại các xã biên giới của Việt Nam, 400.000 người dân mất nhà cửa, trên 3.000 căn nhà bị bỏ hoang; nhiều nhà thờ, trường học, chùa chiền bị chúng đốt phá...

Việt Nam giúp đỡ Campuchia ngăn chặn chế độ diệt chủng và hồi sinh đất nước

Trước hành động xâm lược của quân Pôn Pốt và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23-12-1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng. 10 ngày sau, toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng. Tàn quân Pôn Pốt còn khoảng 4 vạn tên do bọn đầu sỏ chỉ huy rút chạy ẩn náu ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và một số nơi trong nội địa, dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài tiếp tục chống phá cách mạng Campuchia. Chúng đẩy mạnh các hoạt động chính trị, ngoại giao, hòng tạo sức ép đẩy quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia, trong khi lực lượng cách mạng của bạn còn yếu, chúng hy vọng phản công chiếm lại thủ đô Phnom Penh với ảo tưởng lập lại chính quyền Campuchia dân chủ diệt chủng.

Ngày 18-2-1979, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Campuchia Heng Samrin thay mặt HĐND cách mạng Campuchia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hai bên cam kết hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt, bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân mỗi nước. Do vậy, quân đội và nhân dân Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và nhân dân Campuchia ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa bình, ổn định ở khu vực. Đây là việc làm phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia, thể hiện sâu sắc tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, được nhân loại tiến bộ và những người có lương tri trên toàn thế giới hoan nghênh.

“Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế” - Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày Thủ tướng Hun Sen và đồng đội bắt đầu con đường cách mạng cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Thấm thoát đã 40 năm kể từ sau chiến thắng ngày 7-1-1979, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân 2 nước dày công vun đắp, đang không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho 2 nước. Ngày nay, Việt Nam và Campuchia duy trì thường xuyên các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân 2 nước. Nhờ đó, đã góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển đi vào chiều sâu và có hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH