Nhộn nhịp làm ăn mùa nước nổi

21/09/2018 - 07:45

 - Mùa nước nổi là cơ hội để nhiều người mưu sinh, trở thành nét đặc trưng của miền sông nước. Muôn kiểu kiếm tiền, đủ mọi vất vả, song vượt lên trên hết vẫn là niềm vui đón lũ, đón sản vật về đồng để người bán, người mua đều được tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng sau nhiều năm khắc khoải với lũ thấp.

Đón đầu mùa nước nổi, các nghề làm lọp, đan lưới, uốn lưỡi câu, đóng xuồng trở nên nhộn nhịp. Đến đâu cũng nghe những người thợ nói làm không đủ bán, vì thiếu lao động, trong khi số lượng được bạn hàng đặt liên tục. Xuôi theo những cánh đồng mênh mông nước, ngày cũng như đêm, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp những chiếc xuồng con lẻ loi hoặc theo nhóm nối đuôi nhau. Bà Nguyễn Thị The (xã Phú Hội, An Phú) năm nay đã 50 tuổi cùng chồng rong ruổi mưu sinh trên những con kênh rộng nối từ đồng này qua đồng khác. Ông, bà không đi riêng lẻ, mà có cả chục hộ cùng xóm làm bạn đường xa. Có những chuyến đi sang tận Đồng Tháp, Vĩnh Long để bắt cá đem về bán. Mỗi ngày sau khi bủa lưới, ghe xuồng tập kết gần bờ bán lại cho bạn hàng, đa số là cá chạch, cá rô. Bà The cho biết, cực thì có cực nhưng chỉ vài tháng mùa nước có thể kiếm được 7-8 triệu đồng tiền lời nên vẫn cố gắng. Những người làm nghề cào hến cũng vậy, biết ở đâu có thể kiếm tiền, cả xóm nghèo rủ nhau cùng đi. Chị Nguyễn Ngọc Trinh (xã Định Thành, Thoại Sơn) cho biết, theo kinh nghiệm, chỉ đến những con kênh nước lặng. Trên cánh đồng, các xuồng không ai bảo ai tự chia “địa phận” để khai thác. Mỗi ngày, vợ, chồng chị có thể kiếm được 200.000 - 400.000 đồng từ công việc này, ngoài chi tiêu sinh hoạt còn “bỏ ống” để lo cho con ăn học.

Ngoài đánh bắt thủy sản, nhiều hộ dân còn kiếm tiền từ nghề trồng và hái bông điên điển. Anh Nguyễn Văn Dũng (xã Hòa Lạc, Phú Tân) trồng 2 công điên điển cho biết, thời điểm này điên điển chưa rộ lắm, 1 ngày hái được 7-8kg bông, giá bán từ 18.000-20.000 đồng/kg, bỏ sỉ cho tiểu thương ở chợ địa phương. Theo anh Dũng, giá bông điên điển hiện tại thấp hơn năm ngoái, nhưng vẫn vui vì mùa này có thu nhập ổn định. Hơn 50 hộ lân cận với anh Dũng cũng tận dụng diện tích đất nhà hoặc thuê để trồng điên điển làm “cây kinh tế”. Việc thu hoạch bông điên điển chỉ tập trung từ 11 giờ khuya đến 6 giờ sáng hôm sau, nên ban ngày nhiều hộ còn tranh thủ đi đặt lọp, câu cá. Không chỉ bán bông tươi, ở xã Vĩnh Bình (Châu Thành), nhiều hộ sống dựa vào bông điên điển tự trồng hoặc hái ngoài tự nhiên để chế biến loại hoa dân dã thành nhiều món ngon làm quà. Bà Nguyễn Thị Bé Năm, người bán bông điên điển tại đây cho biết, điên điển có thể bán bông tươi, muối chua đóng hộp kết hợp thêm một số rau, củ thêm đẹp mắt được khách vãng lai ưa chuộng. Tháng 7 (âm lịch), ven đường địa phận xã Vĩnh An, Vĩnh Bình bắt đầu xuất hiện nhiều chỗ bán bông điên điển, trái cà na, ốc, càng cua… Đặc biệt, trái cà na được chế biến theo đủ kiểu ăn vặt rất hút hàng.

Một góc chợ quê

Nhờ sản vật mùa nước nổi ban tặng, chợ đầu mối, chợ quê cho đến chợ “chồm hổm” mùa này trở nên sung túc, phong phú đủ loại thức ăn. Chị Mỹ Kim, tiểu thương chợ Bình Hòa cho biết, năm nay nước về sớm, hơn 1 tháng qua chợ đã bán bông súng và bông điên điển. Đi chợ quê vào mùa nước nổi muốn ăn cá gì cũng có. Nhờ giao thông thuận lợi, xe cộ các nơi tập trung về thu mua, bán lại rất đông, giao dịch diễn ra nhanh chóng. Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Thúy Ái (xã Tân Trung, Phú Tân) qua lại bến đò Thanh Bình liên tục để chở các loại cá, cua, ốc từ chợ Châu Đốc về bỏ mối cho các hộ bán kiếm lời. Với những lao động làm thuê, không có vốn để đầu tư ngư cụ hay mua, bán, thời điểm này vẫn có cơ hội kiếm tiền nhờ vào việc hái bông điên điển, rau đồng tự nhiên để trang trải. Hòa vào nhịp sống của người mưu sinh theo con nước, ở vùng quê, trên những đồng ruộng ngập lũ, người lớn, trẻ nhỏ đều có thú vui “ăn theo” mùa nước nổi. Đó là niềm vui ra đồng xem người dân đánh bắt cá, chèo xuồng tự hái bông điên điển, cà na, rau đồng về chế biến món ăn.

Những khoảnh khắc hòa mình vào thiên nhiên rất đỗi quen thuộc, ai cũng háo hức muốn trải nghiệm và giữ lại trong ký ức. Chỉ vài tháng nước lên, thiên nhiên đã ban tặng cho người miền Tây vô số món quà lẫn cung bậc cảm xúc để mỗi năm lại bồi hồi mong đợi mùa nước nổi về.

Bài, ảnh: MỸ HẠNH