Những “cây đại thụ” nơi biên giới

25/02/2019 - 07:40

 - Những năm qua, cựu chiến binh xã Lạc Quới (Tri Tôn) ngoài việc hoàn thành tốt công tác xây dựng hội vững mạnh còn thực hiện nhiều mô hình yêu nước, giúp nhau phát triển kinh tế. Đặc biệt là mô hình “Tổ, Hội Cựu chiến binh tham gia bảo vệ an ninh biên giới” đã phát huy vai trò và phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”.

Những “cây đại thụ” tham gia giữ bình yên biên giới

Đảm bảo an ninh biên giới

Lạc Quới là xã biên giới của huyện Tri Tôn, có đường biên giới dài khoảng 8,5km, tiếp giáp xã Xom, huyện Kirivong (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia). Xã Lạc Quới, nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, mua bán, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình trên tuyến biên giới tiềm ẩn nhiều phức tạp như: qua lại không đúng thủ tục quy định, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm… Dọc theo tuyến biên giới có 4 cột mốc chính và 8 cột mốc phụ. Trong đó tuyến cột mốc 281 có chiều dài khoảng 500m đi qua địa phận ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh Thuận thường xuyên xảy ra tình trạng nông dân 2 bên trong quá trình canh tác lúa thường hay lấn ranh nhau, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát cũng như đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới.

Trước tình hình trên, Hội Cựu chiến binh xã Lạc Quới thường xuyên phối hợp các lực lượng công an, biên phòng, quân sự tuần tra trên tuyến biên giới. Đặc biệt năm 2014, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã đã xây dựng Đề án thành lập mô hình “Tổ, Hội cựu chiến binh tham gia bảo vệ an ninh biên giới”. Mô hình hoạt động có hiệu quả, phát huy vai trò, phẩm chất tốt đẹp của "bộ đội cụ Hồ".

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lạc Quới Trình Văn Khỏi cho biết, từ khi thành lập đến nay, tổ duy trì hoạt động tuần tra các tuyến biên giới cũng như các cột mốc với tần suất 1-2 lần/tháng, bất kể vào mùa nắng hay mưa. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự trong ấp dọc theo tuyến biên giới được đảm bảo, mâu thuẫn phát sinh được giải quyết kịp thời, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Nếu trước đây, những sự việc như: vượt biên trái phép, buôn lậu, tranh chấp sản xuất lấn vào đường biên… vẫn còn xảy ra thì nay được giải quyết ngay tại thực địa, người dân 2 bên an tâm lao động sản xuất.

Những “cây đại thụ” vùng biên

“Tổ, Hội Cựu chiến binh tham gia bảo vệ biên giới” có 29 thành viên, là những cựu chiến binh có sức khỏe tốt, có trình độ năng lực và uy tín cao trong nhân dân. Cựu chiến binh Huỳnh Lộc Dũng cho biết, công việc tuần tra tuy gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng đây là trách nhiệm nên mình phải làm. “Công việc không chỉ đơn thuần là kiểm tra, thông qua đó, tôi mong muốn thế hệ trẻ có cách nhìn sâu sắc hơn về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Hiểu rõ thêm những hy sinh của ông cha ta ngày xưa trong cuộc chiến tranh giữ nước, bảo vệ Tổ quốc”- ông Dũng cho hay.

Ngoài việc tuần tra an ninh biên giới, các thành viên trong tổ còn đảm nhận công việc của một tuyên truyền viên, tích cực truyền đạt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến bà con vùng biên giới. Trong các buổi họp dân, tổ đã phối hợp công an, biên phòng thông tin cho người dân nắm về các diễn biến tình hình an ninh biên giới, trật tự xã hội trong tỉnh, huyện, xã và các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của thế lực thù địch. Đồng thời, tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào nhân dân tự quản đường biên, cột mốc… Cựu chiến binh Huỳnh Lộc Dũng chia sẻ: “Để làm tốt công tác tuyên truyền, thành viên phải nêu gương, thực hiện trước các phong trào do địa phương phát động. Có như vậy mới tạo được sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân. Vì vậy, bản thân mỗi thành viên trong tổ luôn gương mẫu trong công tác giáo dục con em, người thân trong gia đình không tham gia các tệ nạn xã hội, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách tại địa phương”.

“Dù trong thời chiến hay thời bình, cựu chiến binh huyện Tri Tôn luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Và là tấm gương sáng để thế hệ sau noi theo” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tri Tôn Lê Minh Cheo nhận định.

ĐỨC TOÀN