Những “cây đèn biển” nơi đảo xa

25/03/2018 - 08:54

Đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa có ngọn hải đăng cao vút, sừng sững, đêm đêm rọi sáng một vùng biển rộng, hướng dẫn cho tàu, thuyền qua lại an toàn. Dưới chân ngọn hải đăng ấy là Trường Tiểu học Song Tử Tây, nơi có những người thầy tựa "cây đèn biển" thầm lặng, ngày đêm soi sáng tâm hồn các em thơ trên đảo.

Buổi sáng, khi vệt nắng còn mỏng nhẹ như tơ, dịu dàng xuyên qua đám lá bàng vuông thì tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã ríu rít tiếng nói, tiếng cười. Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Lê Xuân Quyết, học sinh đồng thanh tập đọc bài thơ: “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…”. Buổi học nào của các em nơi đây cũng bắt đầu bằng những bài học chung như thế.

Với những công dân nhí của đảo Song Tử Tây, mỗi ngày chẳng có niềm vui nào lớn hơn niềm vui đến lớp. Ở đó, thế giới kỳ diệu luôn mở ra trước mắt các em trong từng trang sách. Đặc biệt, ở đó còn có những người thầy đến từ đất liền xa vời, luôn dành cho các em trọn tâm huyết và tình yêu thương sâu nặng khó nói thành lời. 

Thầy Lê Xuân Quyết và các em học sinh tại lớp học trên đảo Song Tử Tây.

Thầy giáo Lê Xuân Quyết, sinh năm 1990, quê ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Khánh Hòa, Quyết về dạy học ở Trường Tiểu học Vạn Thọ 2. Cách đây 6 năm, nghe tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thông báo tuyển giáo viên tình nguyện ra công tác tại Trường Sa, Quyết lặng lẽ nộp đơn dự tuyển. Anh chẳng nói điều này cho người thân và đồng nghiệp biết vì không chắc mình có được tuyển hay không. Nhà nghèo, khó khăn lắm mới cầm được tấm bằng tốt nghiệp và về dạy học gần nhà, vậy mà Quyết lại xin đi Trường Sa, hẳn má anh sẽ rất buồn. “Nhưng trong lòng mình vẫn mong ước được tới những nơi xa xôi, gian khó để trải nghiệm và chia sẻ với người dân ở đó những vất vả mà bản thân đã từng trải qua”, Quyết tâm sự.

Tháng 6-2013, Quyết lên tàu ra đảo Song Tử Tây. Cùng đi với anh dịp ấy còn có thầy Lê Văn Mạnh, người cùng quê, sinh năm 1989, tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn. Sau những ngày lênh đênh trên biển, họ đặt chân lên đảo vào một ngày nắng như đổ lửa. Cầu cảng xây bằng bê tông bỏng rát, hàng phong ba ủ rũ trên bờ. Tuy nhiên, nỗi mệt mỏi dường như tan biến khi những đứa trẻ trên đảo ùa ra đón. Chúng nói cười ríu ran, hỏi thăm rồi dẫn thầy đi khắp đảo, chỉ cho thầy xem ngọn hải đăng, hàng cây bàng vuông, phong ba, lớp học và cả căn phòng thầy sẽ ở.

Ở lớp, ngoài dạy học, hai thầy còn phải kiêm công việc bảo mẫu. Với những chàng trai đang tuổi thanh niên, chưa lập gia đình nhưng lại phải làm công việc chăm trẻ, phải hát, múa, dỗ dành, kể chuyện, bày trò cho chúng chơi thật chẳng dễ dàng gì. Những ngày đầu, có nhiều chuyện “cười ra nước mắt” nhưng rồi họ cũng vượt qua và giờ đây, hai thầy đã trở thành những giáo viên đa năng nhất.

Ngoài nội dung theo quy định, lớp học trên đảo Song Tử Tây còn có chương trình học rất đặc biệt. Đó là các bài thơ, bài hát thiếu nhi về Trường Sa, biển, đảo; hoặc là bài giới thiệu về các phương tiện trên đảo không có như: Đèn xanh, đèn đỏ, tàu hỏa, ô tô, con trâu, con ngựa… Những bài học này đều do hai thầy tự tìm hiểu, xây dựng rồi dạy cho các em nhằm bồi đắp tình yêu biển, đảo và để các em khi lớn lên, trở về đất liền sinh sống, học tập khỏi bỡ ngỡ.

Gần 5 năm gắn bó với đảo, hai thầy chỉ vào đất liền nghỉ phép ba lần, mỗi lần một tháng. Mỗi lần như thế, thầy Quyết lại có cảm giác chông chênh giữa “ở hai đầu nỗi nhớ” vì khi ở đảo thì nhớ đất liền, nhưng khi về đất liền lại nhớ đảo đến quay quắt. Trong một lần nghỉ phép, thầy Quyết đã cưới vợ. Vợ thầy cũng là đồng nghiệp, đang dạy học ở quê. Do xa nhau biền biệt mà đến nay họ chưa có con, còn thầy Mạnh thì vẫn độc thân.

Theo quy định thì hết năm học này, hai thầy sẽ kết thúc thời gian dạy học ở đảo Song Tử Tây trở về đất liền. “Đó chắc chắn sẽ là thời khắc vô cùng khó khăn, bởi sau thời gian sống, công tác trên đảo, mọi thứ đã trở nên thân thiết như máu thịt. Làm sao có thể lấp đầy nỗi nhớ về những khuôn mặt thơ ngây, hàng cây phong ba, bờ biển và cả tiếng sóng rì rào nơi này? Nếu cho thời gian quay trở lại, tôi vẫn sẽ chọn nơi đây để gửi tuổi xuân của mình. Và nếu cho tôi một cơ hội ở tương lai, tôi vẫn xin được ra Trường Sa để sống và dạy học”, thầy Quyết bồi hồi chia sẻ.

Trong khi trên đất liền còn không ít bạn trẻ "so đo, tính toán" thiệt hơn về lựa chọn công việc, thì hai thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết, Lê Văn Mạnh đã xung phong ra đảo Song Tử Tây tự nguyện "làm bạn" với nắng gió biển khơi và ngày đêm lặng lẽ "ươm vần, gieo chữ" cho các học trò nhỏ trên hòn đảo thân yêu của Tổ quốc, quả là điều rất đáng trân trọng!

Theo VŨ ĐÌNH ĐÔNG (Quân Đội Nhân Dân)