Những dấu ấn sau 30 năm thu hút FDI vào Việt Nam

21/08/2018 - 08:45

Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, khu vực FDI đã mang nhiều dấu ấn tích cực, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Đóng góp lớn cho nền kinh tế

Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), trong 26 năm từ 1991 đến 2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân 162 tỷ USD. Tính bình quân mỗi năm giai đoạn 1991-2000 đạt 1,95 tỷ USD, 10 năm tiếp theo đạt 5,85 tỷ USD, 7 năm gần đây là 12 tỷ USD.

Kể từ năm 2001, sau khi trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đã có thêm nhiều dự án lớn công nghệ cao, dịch vụ hiện đại của Intel, Nokia, Canon, Samsung, LG làm tăng thêm tỷ trọng của khu vực FDI trong giá trị sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu.

Trong 5 năm gần đây, nhiều dự án có quy mô lớn với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, Việt Nam trở thành nơi sản xuất sản phẩm công nghệ cao của thế giới như smartphone, máy tính bảng.

Năm 2016, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, bù đắp cho nhập siêu của doanh nghiệp trong nước, đóng góp khoảng 20% thu nội địa và 20% GDP. Thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài chỉ đạt 5,2% trong tổng thu năm 2000 thì tỷ trọng này đã tăng lên 18,6% trong năm 2016.

“Điều đó thể hiện quy mô vốn FDI vào nước ta ngày càng lớn, đồng thời chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao”, GS Nguyễn Mại đánh giá.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, khu vực kinh tế FDI đã trở thành loại hoạt động đầu tư cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam. 30 năm qua số lượng công ty FDI tham gia vào nền kinh tế, số tiền đầu tư cũng như sản phẩm đã khẳng định sự đóng góp của họ vào tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. 

Sản xuất tại Công ty may mặc New Apparel (công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài). Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

“Cách đây 30 năm, các công ty FDI rất nhỏ bé, họ chưa có sự đóng góp gì nhưng sau 30 năm, các công ty vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều; từ những công ty đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cho đến những công ty đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp, tài chính, dịch vụ, bất động sản... Trong 30 năm qua, hình thức đầu tư FDI trở nên đa dạng hơn nhiều, FDI đóng góp trên một nửa tổng số xuất khẩu của Việt Nam nên vai trò của các công ty FDI với nền kinh tế Việt Nam rất đáng kể", ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, điểm sáng của FDI là đem nền kinh tế Việt Nam từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường có cạnh tranh. Khuc vực đầu tư nước ngoài cũng như các công ty FDI cũng đã góp phần đưa Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, giúp Việt Nam phát triển tầm vóc cao hơn đặc biệt trong giai đoạn CM 4.0.

Cần có chiến lược thu hút đầu tư FDI

GS Nguyễn Mại nhận định, Việt Nam đã chuyển thành nước có thu nhập trung bình (thấp). Năm 2017, Việt Nam có trên 670.000 doanh nghiệp, với hàng trăm tập đoàn kinh tế mạnh. Chính phủ đang có định hướng tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế theo hướng xanh. Môi trường kinh doanh khu vực cũng biến động khi dòng vốn từ Trung Quốc đang chuyển dịch sang Indonesia và Việt Nam… Trong khi đó, vẫn còn nhiều dự án đầu tư FDI có vốn dưới 1 triệu USD, thậm chí 100.000 USD.

Mặc dù có đóng góp to lớn đối với nền kinh tế, nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, các công ty FDI vào Việt Nam, sử dụng môi trường kinh doanh ở Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu mà chưa chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Theo đánh giá, các công ty Việt Nam lĩnh hội được công nghệ của FDI rất hạn chế.

“Cùng với đó, dù các công ty FDI đóng góp hơn một nửa xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng tạo nên sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam đối với các công ty FDI, có nghĩa là các công ty FDI phát triển nhanh và làm ăn tốt ở Việt Nam nhưng khi họ khó khăn và rút lại đầu tư thì nền kinh tế của Việt Nam lại bị ảnh hưởng, trường hợp đó đã xảy ra đối với Samsung cách đây ít lâu”, ông Hiếu phân tích.

Đặc biệt, về mặt tài chính, nhiều công ty FDI sử dụng chuyển giá để trốn thuế ở Việt Nam. Nhiều trường hợp công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, cơ sở phát triển mạnh nhưng lại báo lỗ nên không thu thuế được từ các công ty đó. 

Vị thế, theo TS Hiếu, để phát triển hơn nữa khu vực kinh tế FDI trong thời gian tới, Việt Nam cần phải hoạch định chiến lược cho FDI trong 20 - 30 năm tới, xem xét những loại hình nào mình nên đầu tư, khuyến khích ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Trong những loại hình đầu tư vào Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tài chính, ngân hàng... cũng cần phải có chiến lược xem xét trong số đó, loại hình nào nên phát triển ngắn hạn.

“Chẳng hạn như khuyến khích đầu tư nước ngoài vào du lịch trong ngắn hạn để có thể tăng nguồn thu ngoại tệ, mở mang ngành du lịch Việt Nam nhưng về lâu dài thì phải nhắm vào đầu tư của các FDI với nông nghiệp trung hạn và dài hạn; đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ, ngân hàng, bất động sản...”, TS Hiếu đề xuất.

Cùng với đó, ông Hiếu cũng nhận định, còn có nhiều nhà đầu tư rất tiềm năng nhưng chúng ta chưa tiếp cận được, cần có danh mục nhà đầu tư tiềm năng và có kế hoạch tiêp cận nhà đầu tư đó. Đồng thời phải xem xét những vấn đề về chuyển giá, hoạch định tài chính... để hoàn thiện các chính sách cho FDI đầu tư vào Việt Nam, đem lại lợi ích cho quốc gia.

GS Nguyễn Mại thì cho rằng, để phát triển đầu tư FDI trong thời gian tới, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương. Đối với các địa phương kém phát triển thì có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da dày nhưng phải bảo vệ môi trường. Còn các thành phố phát triển thì cần tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; không lựa chọn dự án FDI thâm dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, Việt Nam cần có chương trình riêng để thu hút FDI từ Nhật Bản và Hàn Quốc để tận dụng công nghệ và kinh nghiệm từ hai nước này, thu hút nhiều hơn các tập đoàn lớn từ hai nước đó. FDI từ các nước EU và Mỹ hiện còn khiêm tốn, cần có chính sách mới nhằm gia tăng FDI từ các nước phát triển, nhất là trong các ngành công nghệ hiện đại phù hợp với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng năm 2018, thu hút vốn FDI vào Việt Nam đạt 22,94 tỷ USD, tăng 4,6%. Số vốn giải ngân đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2017. Dòng vốn FDI tập trung nhiều nhất vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 41,95% tổng vốn đầu tư đăng ký), tiếp theo là bất động sản và bán buôn bán lẻ.

Theo THU TRANG - HOÀNG DƯƠNG (Báo Tin Tức)