Những đóng góp tích cực của hội viên sử học An Giang

07/03/2019 - 06:53

 - Họ là những người âm thầm “chạm tay” vào lịch sử, nỗ lực sưu tầm và đi tìm chứng cứ để làm sáng tỏ những sự kiện, vùng đất, anh hùng dân tộc vốn bị lớp bụi thời gian phủ mờ theo năm tháng. Đó là những hội viên Hội Khoa học Lịch sử An Giang, đang từng ngày tìm về nguồn cội để bổ sung thêm nguồn kiến thức lịch sử, nhất là lịch sử địa phương cho thế hệ sau học tập và nghiên cứu.

Hội Khoa học Lịch sử An Giang thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học

Đến cuối tháng 11-2018, Hội Khoa học Lịch sử An Giang đã phát triển 6 chi hội trực thuộc (Chi hội Sử học Trường Đại học An Giang, Chi hội Sử học TP. Châu Đốc, Tri Tôn, Châu Phú, Phú Tân và Chợ Mới), với 165 hội viên, trong đó có 43 hội viên được cấp thẻ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Đánh giá về những hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử An Giang trong năm qua, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử An Giang Đặng Hoài Dũng cho biết: “Hoạt động của hội đã dần đi vào chiều sâu, tập hợp các tầng lớp trí thức có trình độ chuyên môn về lịch sử tham gia hội. Tổ chức các chi hội cấp cơ sở thực hiện chức năng tư vấn phản biện và giám định xã hội các lĩnh vực liên quan chức năng hội. Năm 2018, Hội Khoa học Lịch sử An Giang đã tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học, góp phần làm sáng tỏ thân thế và sự nghiệp của nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử trên địa bàn tỉnh An Giang, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Hội thảo đầu tiên là từ sự phối hợp của Hội Khoa học Lịch sử An Giang với Thành ủy và UBND TP. Châu Đốc, Bảo tàng An Giang tổ chức hội thảo “Nhân vật lịch sử Chánh Phó Quản cơ Vệ thủy Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh thời nhà Nguyễn”, có 27/38 bài viết được tuyển chọn, thu hút 150 đại biểu tham dự. Phối hợp của Hội Khoa học Lịch sử An Giang với Huyện ủy, UBND huyện Chợ Mới, Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Lịch sử cù lao Giêng 320 năm hình thành và phát triển”, với 74/99 bài viết được tuyển chọn và 240 đại biểu tham dự. Hội thảo “Tấm gương chiến đấu và hy sinh của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thất Sơn trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)” tại Bảo tàng An Giang với 150 đại biểu tham dự, đã tập hợp được 24/29 bài viết nghiên cứu xuất sắc. Bên cạnh đó, Hội Khoa học Lịch sử An Giang đã xuất bản 4 đầu sách về lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống, gồm: 1.000 quyển kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nhân vật lịch sử Chánh Phó Quản cơ Vệ thủy Đỗ Đăng Tào và Lê Văn Sanh thời nhà Nguyễn”, 900 quyển kỷ yếu hội thảo khoa học “Tấm gương chiến đấu và hy sinh của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thất Sơn trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), xuất bản 500 quyển “Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu sự hình thành và phát triển 70 năm” nhân sự kiện 70 năm thành lập trường; xuất bản tài liệu biên khảo 300 quyển “Di tích xứ rẫy trầu” giới thiệu vùng đất Cái Tàu Thượng xưa và nay. Ngoài ra, Hội Khoa học Lịch sử An Giang còn đóng góp các đề tài nghiên cứu lịch sử trên địa bàn tỉnh, tham gia các hội đồng khoa học cấp tỉnh xét duyệt và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Năm 2019, Hội Khoa học Lịch sử An Giang sẽ thành lập mới chi hội sử ở cấp cơ sở (Châu Thành, Thoại Sơn, TP. Long Xuyên); tổ chức 4 cuộc hội thảo về các nhân vật lịch sử, danh thần, vùng đất Chợ Mới, TP. Long Xuyên; biên tập và phát hành các kỷ yếu hội thảo khoa học gồm các đầu sách: tiểu sử Bổn sư Ngô Lợi (1830-1890), Tổng đốc An Giang thời nhà Nguyễn (1832-1867). Đồng thời, tham gia tư vấn, phản biện các đề tài, dự án liên quan đến khoa học lịch sử, văn hóa- xã hội, tham gia các hội thảo khoa học do các cơ quan trong và ngoài tỉnh tổ chức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục lịch sử trên Tạp chí Văn hóa Lịch sử tỉnh, Tạp chí Khoa học Công nghệ và các trang web của tỉnh.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG