Những lưu ý về nuôi thủy sản trên sông

01/02/2018 - 01:29

 - Với lợi thế đầu nguồn sông Cửu Long, nghề nuôi thủy sản (TS) lồng bè ở An Giang khá thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cần phát triển lồng bè theo quy hoạch, chú trọng chất lượng con giống, chọn lựa đối tượng nuôi thích hợp, liên kết đầu ra để tránh những rủi ro không đáng có.

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo Chi cục TS An Giang, từ những năm 1960, nghề nuôi TS lồng bè đã hình thành ở khu vực ngã ba sông Châu Đốc, đối tượng nuôi chủ yếu là cá tra. Sau đó, khu vực nuôi đã mở rộng ra đoạn sông Hậu (Châu Phú, Châu Thành, An Phú, TP. Long Xuyên), đoạn sông Tiền (TX. Tân Châu), các khúc sông Kênh Xáng, sông Cái Vừng… Số lượng lồng bè gia tăng, các đối tượng nuôi đa dạng như: cá điêu hồng, chim trắng, rô phi, mè vinh, cá lóc, basa… Năm 2003, toàn tỉnh có 4.123 lồng bè nuôi TS. Mô hình này đã tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho hộ nuôi, góp phần tạo ra giá trị lớn cho ngành TS.

TS lồng bè còn nhiều tiềm năng phát triển

TS lồng bè còn nhiều tiềm năng phát triển

Tuy nhiên, từ năm 2004, số lượng lồng bè nuôi giảm dần, chủ yếu phục vụ thị trường tiêu thụ nội địa. Năm 2006, 2007, UBND tỉnh tiến hành điều chỉnh quy hoạch TS nhưng số lượng lồng bè vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu quy hoạch. Thống kê năm 2015, toàn tỉnh có 3.557 lồng bè với tổng thể tích gần 668.000m3. Môi trường nước sông ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh, chi phí đầu tư lớn, đầu ra không ổn định… là những nguyên nhân khiến người dân ngại đầu tư lồng bè nuôi TS.

Trước thực trạng trên, ngày 28-7-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-UBND, phê duyệt “Quy hoạch nuôi TS trên các tuyến sông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Theo quy hoạch, số lượng lồng bè đến năm 2020 sẽ giảm còn 3.220 chiếc nhưng sẽ tăng lên 3.870 chiếc vào năm 2025. Sản lượng nuôi từ mức 57.220 tấn (năm 2020) tăng lên 67.360 tấn (năm 2025), giá trị sản xuất từ 1.943 tỷ đồng lên 2.512 tỷ đồng, giải quyết làm cho khoảng 7.000 lao động (năm 2025).

Ưu tiên chuỗi liên kết giá trị

Theo ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục TS An Giang, nhằm đáp ứng thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng, đơn vị định hướng người dân nuôi các loại cá basa, điêu hồng, rô phi, chim trắng, cá he, cá hú, cá lóc bông… “Tỉnh sẽ ưu tiên nâng cao chất lượng con giống, tăng sản lượng, tạo hiệu quả kinh tế cho người nuôi, trong đó hoàn thiện quy trình kỹ thuật trước khi tăng trưởng về số lượng lồng bè nhằm tạo sự ổn định trong sản xuất, giảm thiểu thiệt hại” - ông Tuấn lưu ý.

Với lợi thế được cung cấp nguồn nước trực tiếp từ sông Tiền, sông Hậu, tỉnh quy hoạch vùng nuôi lồng bè tập trung tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, các huyện An Phú, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành và Chợ Mới. Đối với huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn, tỉnh không quy hoạch nuôi TS lồng bè do nằm cách xa tuyến sông Tiền, sông Hậu, sức tải môi trường kém, dễ gây ô nhiễm môi trường và tác động đến dân sinh trong khu vực.

Ngoài nhu cầu lao động phổ thông 6.000-7.000 người cho giai đoạn 2021-2025, tỉnh tăng cường đào tạo lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học, đảm bảo đến năm 2020, cứ khoảng 100 lồng bè nuôi TS có 1 kỹ sư nuôi trồng TS quản lý. Các dịch vụ hậu cần cho TS lồng bè cũng tăng theo. Trong đó, hệ thống cung ứng con giống cần khoảng 166 triệu con (năm 2020), tăng lên 207 triệu con (năm 2025), tổng nhu cầu thức ăn công nghiệp từ 133.280 tấn tăng lên 153.250 tấn (thức ăn viên 81.780 tấn, thức ăn tự chế 71.470 tấn).

Để khuyến khích nông dân nuôi TS lồng bè theo quy hoạch, tỉnh sẽ hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Qua đó, ngân hàng sẽ tăng định mức cho HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi, HTX thực hiện bảo hiểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, liên minh HTX hỗ trợ đầu tư các dịch vụ công cho vùng nuôi trồng TS, tổ chức đào tạo xã viên. Trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò trung tâm về định hướng thị trường. DN và HTX thực hiện cơ chế liên kết chặt chẽ, thống nhất kế hoạch sản xuất, nguyên tắc giao nhận sản phẩm, đảm bảo hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, nâng cao uy tín thương hiệu.

Các ngành chức năng tỉnh sẽ hỗ trợ DN, người sản xuất đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn đến các bếp ăn tập thể, phân phối sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Đồng thời, xây dựng và nâng cấp hệ thống chợ truyền thống theo hướng văn minh thương nghiệp, đảm bảo diện tích phân khu TS tại các chợ đáp ứng nhu cầu, đưa mặt hàng TS lồng bè đạt chuẩn vào cung ứng. Hỗ trợ DN, HTX xây dựng tiêu chuẩn VietGAP cho TS lồng bè, kết nối cung ứng ổn định cho các địa phương…

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN