Những mô hình nhân văn trong mùa lũ

12/09/2018 - 08:38

 - Có những mô hình đặc biệt ở huyện đầu nguồn An Phú đã được duy trì từ hơn chục năm qua. Đó là đưa, rước học sinh (HS) đi học hàng ngày và giữ trẻ mùa lũ. Những mô hình này không chỉ bảo vệ các em an toàn, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, tương trợ nhau trong lúc khó khăn khi lũ về.

Giữ trẻ an toàn trong mùa lũ

Trở lại An Phú trong những ngày này bỗng cảm thấy nao nao trong lòng. Nước lũ dâng cao gây chia cắt nhiều tuyến đường ở các xã: Vĩnh Hậu, Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Phú Hội… ảnh hưởng việc đến trường của HS, nhất là HS ở bậc tiểu học, nên chính quyền địa phương tổ chức đưa, rước HS trong suốt mùa lũ.

Những em nào chưa đến tuổi đi học nhưng không thể theo cha, mẹ mưu sinh (ở nhà không người trông coi hoặc ở cùng ông, bà sẽ khó đảm bảo trong điều kiện ngập lũ) được địa phương tập hợp lại thành nhóm để giữ tập trung.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân thăm điểm giữ trẻ mùa lũ ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông  (An Phú).

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân thăm điểm giữ trẻ mùa lũ ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông  (An Phú).   

Hơn 60 tuổi nhưng thấy bà con mình lặn lội mưu sinh mùa lũ nhưng không thể chở con theo trên xuồng ghe, còn để ở nhà không yên tâm, nên bà Trần Thị Thu Vân sẵn sàng làm “bảo mẫu” để giữ các cháu. Trong căn nhà Tình thương rộng trên 30m2, bà tổ chức giữ khoảng 30 cháu và lo cơm nước 2 bữa mỗi ngày.

“Tới mùa lũ, sợ nhất là trẻ đuối nước. Hầu hết, bà con ở đây đều làm nghề câu lưới, suốt ngày lặn lội trên đồng nước nên đem con theo rất nguy hiểm. Gần chục năm nay, địa phương tổ chức giữ trẻ tập trung để đảm bảo an toàn cho các cháu, giúp phụ huynh yên tâm đi làm” - bà Thu Vân nói.

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hội Đông Huỳnh Văn Thích cho biết thêm: các cô ở đây làm việc bằng tình thương và lòng nhân ái. Tuy phụ cấp còn khiêm tốn (khoảng 1,4 triệu đồng/tháng) nhưng các cô đều chọn niềm vui là động lực chính. Mỗi ngày, các cháu được cho ăn 2 lần (bữa trưa và xế), sinh hoạt vui chơi và ngủ đúng giờ. Ở đây các cháu được đảm bảo an toàn, cha, mẹ đi làm xong sẽ rước về nhà. Toàn xã có 105 trẻ cần được giữ tập trung, chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức thành 4 nhóm để việc chăm lo cho các cháu được đảm bảo. Ngoài ra, xã cũng chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cán bộ y tế thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn cho các cháu.

Trở lại xã Vĩnh Hậu, nơi có nhiều diện tích ngập sâu của huyện An Phú. Xã có 4 ấp, trong đó ấp Vĩnh Ngữ  bị chia cách gần như hoàn toàn. Lũ về sớm và cao hơn mọi năm nên hơn 80% diện tích đất tự nhiên bị ngập nước (hơn 1.600ha đất sản xuất nông nghiệp tiến hành xả lũ bị ngập sâu). Xã sẽ tổ chức 1 điểm giữ trẻ tại ấp Vĩnh Ngữ (khoảng 23 trẻ) để đảm bảo an toàn cho các cháu. Hiện, toàn huyện An Phú đã tổ chức 5 điểm giữ trẻ tập trung với hơn 280 cháu. Ở đây, các cháu được chăm lo an toàn, nên các bậc phụ huynh yên tâm lao động, mưu sinh.

Những chuyến đò mang nặng tình người

Đó là mô hình đưa, rước HS đi học hàng ngày mỗi khi lũ về, được huyện An Phú triển khai gần chục năm nay. UBND huyện An Phú đã yêu cầu các ngành chức năng phối hợp tổ chức đưa, rước HS đến trường để đảm bảo an toàn cho các em. Năm nay lũ dâng cao, UBND huyện An Phú có kế hoạch đưa, rước 1.074 HS, chủ yếu bậc tiểu học, ở các xã bị ngập sâu như: Phú Hội, Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Hậu… đến trường hàng ngày. Lực lượng đưa, rước HS là những người làm ở Xã đội, đoàn thể và người tình nguyện ở địa phương. Huyện trích một phần ngân sách để hỗ trợ tiền xăng dầu, sửa chữa máy móc, còn những người phụ trách đưa, rước hầu như không thu tiền công. Họ làm việc bằng cái tâm và sự tự nguyện, mong sao đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em.

HS được trang bị áo phao để đảm bảo an toàn khi di chuyển trên sông nước. (H.HUYNH)

Anh Hiền (ngụ xã Vĩnh Hội Đông) chia sẻ: “Thấy nước lũ lên cao gây ngập nhiều nơi, các cháu đi học nguy hiểm nên mình sẵn sàng tham gia đưa, rước để đảm bảo an toàn. Người dân vùng lũ sợ nhất là trẻ đuối nước, nên chăm lo cho các cháu được phần nào thì mình yên tâm phần đó”. Từ sáng sớm, từng tốp HS tập trung tại những địa điểm quy định trước để đò đến rước đi học. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ với đồ đồng phục, khăn quàng đỏ thắm trên vai mới cảm nhận được niềm vui đến trường của học trò vùng lũ.

Em Nguyễn Ngọc Gia Như (lớp 5B, Trường Tiểu học "B" Vĩnh Hội Đông) chia sẻ: “Ngày thường, con đi học bằng xe đạp. Hổm nay nước lũ, được mấy chú đưa, rước nên chúng con rất yên tâm. tụi con còn được trang bị thêm áo phao nữa. Tụi con rất mừng vì được đưa rước hàng ngày, vì nếu không có mô hình này thì chắc là phải nghỉ học đến hết mùa lũ”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Mai Văn Bộ cho biết: Năm nay, huyện có kế hoạch đưa, rước hơn 1.074 HS đến trường hàng ngày và tổ chức 35 điểm giữ 1.094 trẻ. Hiện, đã tổ chức đưa, rước HS (ở Vĩnh Hậu, Phú Hữu, Khánh An, Vĩnh Hội Đông, thị trấn Long Bình) bằng các phương tiện an toàn (ghe, vỏ composit), trên đó có bố trí áo phao để các cháu mặc khi di chuyển trên sông. Đồng thời, tổ chức 5 điểm giữ trẻ tập trung với hơn 280 cháu.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH