Những ngày tháng 4 lịch sử

30/04/2018 - 07:20

 - 43 năm đã đi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ quân và dân An Giang. Vào những ngày này, ai cũng hân hoan ngược dòng lịch sử, trở về thời điểm đó để sống lại không khí của mùa xuân thống nhất.

Chuẩn bị cho ngày thống nhất

Trong lúc quân và dân 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2 của kế hoạch mùa khô, thì Tây Nguyên được giải phóng đã tạo ra khả năng giải phóng miền Nam trong mùa khô 1975.

Thực hiện tinh thần của Bộ Chính trị (từ ngày 8 đến 25-3-1975), Trung ương Cục ra Nghị quyết số 15 với quyết tâm chiến lược là: “Phải tập trung từng giờ, từng ngày, từng tháng từ đầu tháng 4 này, nơi nào sẵn sàng vùng lên ngay cướp chính quyền, không đợi chờ đợt hay lực lượng chủ lực, cứ như thế liên tục tấn công và phát triển cho đến ngày toàn thắng”.

Sau khi được chỉ thị trên, 2 tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch hoạt động với tinh thần: “Một ngày bằng hai mươi năm”, chọn mục tiêu, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang từ tỉnh đến xã, ấp, phát động phong trào quần chúng tấn công 3 mũi, chuẩn bị cơ sở bên trong sẵn sàng khởi nghĩa khi tình thế chín muồi.

Tỉnh ủy Long Châu Tiền chỉ đạo: phát huy cao độ tư tưởng tấn công trong tình hình mới, tấn công liên tục bằng 3 mũi trên cả 3 vùng; kiên quyết và táo bạo đánh vào các cứ điểm then chốt của địch. Đối với vùng yếu tôn giáo, tổ chức những mũi tấn công vũ trang, thọc sâu diệt ác phá kềm, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền; phải hết sức coi trọng công tác binh vận.

Nhân dân TX. Long Xuyên trong ngày vui đại thắng 1975

Ở Long Châu Hà, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ các huyện, thị xã tự lực giải phóng. Từ đầu tháng 4-1975, các ngành, các cấp đều xây dựng kế hoạch quyết tâm khởi nghĩa vũ trang tự giải phóng địa phương. Nhiệm vụ chung của lực lượng vũ trang là đánh tiêu diệt từng phân chi khu địch để mở rộng vùng giải phóng tại chỗ, làm nòng cốt cho quần chúng tấn công 3 mũi bao vây, bứt rút, bức hàng đồn bốt địch, phá tề giành chính quyền ở cơ sở.

Trong 10 ngày đầu tháng 4-1975, lực lượng 3 mũi của Tri Tôn, Tịnh Biên liên tục bao vây, tấn công tiêu diệt các đồn bót, trụ sở xã Lê Trì, Lương Phi, Ba Chúc... Lực lượng vũ trang Châu Thành X, Huệ Đức vũ trang tuyên truyền ra tận Vĩnh Hanh, Phú Hòa. Lực lượng biệt động Long Xuyên, Châu Đốc tăng cường nắm tình hình nội ô, lãnh đạo mũi binh vận, trí vận tuyên truyền thắng lợi của cách mạng, kêu gọi binh lính địch rã ngũ, xây dựng lực lượng nội tuyến, chờ thời cơ nổi dậy.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, bộ đội Long Châu Tiền đang đứng chân tuyến sông Sở Thượng (Hồng Ngự) được lệnh chuyển từ vùng Thanh Bình, Tam Nông nối liền khu giải phóng Đồng Tháp Mười, tạo bàn đạp tiến qua Phú Tân. Từ ngày 6 đến ngày 21-4-1975, giải phóng Tân Thạnh, Bình Thành và bao vây chi khu Thanh Bình đồng thời chuẩn bị đưa quân qua Cù lao Tây, Cù lao Long Khánh.

Ngày 27-4-1975, bộ đội tỉnh về tới vùng giải phóng Thường Thới Hậu, bổ sung quân số thành lập Tiểu đoàn 2 bộ binh (d512B), phát triển 3 đại đội trinh sát, đặc công, hỏa lực, chuẩn bị đánh đòn quyết định trên chiến trường Long Châu Tiền.

Ở Long Châu Hà, ngày 19-4-1975, lực lượng vũ trang đã mở rộng vùng giải phóng từ kinh Hai Ngàn đến Cản Dừa, đánh địch phản kích đến trưa 23-4-1975. Ngày 28-4-1975, Quân khu 9 chỉ đạo cho Long Châu Hà đưa lực lượng vũ trang của tỉnh về giải phóng Hà Tiên, là nơi yếu nhất của địch.

Khi đang đứng chân đánh địch trên tuyến lộ Hòn Đất - Kiên Lương thì được tin Dương Văn Minh đầu hàng, Tỉnh ủy quyết định chia đôi lực lượng vũ trang: một cánh tiếp tục tiến về Hà Tiên, cánh thứ hai quay lại Ba Thê trở về giải phóng Long Xuyên.

Chiều tối 30-4-1975, cánh quân giải phóng Long Xuyên của tỉnh và Long Xuyên về đến Ba Thê thì lực lượng địa phương đã kiểm soát hoàn toàn nơi này. Sáng 1-5-1975, ta bao vây và gọi hàng chi khu Núi Sập, đến trưa giải phóng hoàn toàn quận lỵ Huệ Đức. Lực lượng củng cố đội ngũ tiến về Long Xuyên.

Giải phóng các địa phương

Tại Long Xuyên, từ ngày 26-4, lực lượng nội ô với gần 2 tiểu đội tự vệ mật bám vào các mục tiêu đã định chờ lực lượng vũ trang bên ngoài về phối hợp. Trưa 30-4, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cả thị xã bao trùm một bầu không khí hoang mang, hỗn loạn.

Chiều 30-4, Tỉnh trưởng An Giang tháo chạy. Tỉnh đoàn trưởng Bảo an và Tổng đoàn trưởng Bảo an quân Hòa Hảo đã đưa lực lượng chiếm giữ dinh Tỉnh trưởng và một số cơ quan của chính quyền Sài Gòn, lấy xe M.113 chốt các ngả đường vào thị xã, trang bị vũ khí cho một số thanh niên từ 17 - 45 tuổi, ra lệnh giới nghiêm, kêu gọi “tử thủ”.

Lực lượng cách mạng nội ô đã chỉ đạo cho các cơ sở nội tuyến ở Đài Viễn thông, Ty Ngân khố, Ty Điền địa... bảo vệ, không cho Bảo an quân Hòa Hảo cướp phá và đưa lực lượng công khai đến giữ tiếp. Mặt khác, cho người đấu tranh với Tỉnh đoàn trưởng Bảo an quân bỏ lệnh giới nghiêm, vận động viên Thiếu tá chỉ huy bãi pháo ở sân vận động không bắn vào hướng tiến quân của cách mạng ra và không cho Bảo an quân Hòa Hảo cướp pháo.

Trong lúc lực lượng vũ trang tỉnh chưa vào kịp, sau khi hay tin Cần Thơ giải phóng, cơ sở ta bên trong chỉ đạo số nhân viên có cảm tình cách mạng ở Đài Viễn thông liên lạc xin lực lượng quân khu lên tiếp ứng, đồng thời phát động quần chúng vùng ven nổi dậy cướp chính quyền cơ sở.

Khoảng 16 giờ ngày 1-5, một đại đội của Trung đoàn chủ lực 101 từ Cần Thơ lên với xe M.113 lần lượt phá các tuyến phòng ngự của địch, kết hợp lực lượng của tỉnh, thị xã giải phóng hoàn toàn Long Xuyên vào lúc 18 giờ 30 phút. Lực lượng Bảo an quân Hòa Hảo bỏ chạy về Chợ Mới.

Nhân dân TX. Long Xuyên chào mừng đoàn quân giải phóng tiếp quản thị xã

Tại Châu Đốc, từ sáng 30-4, số tàn quân địch chạy về đây ngày càng nhiều. Chỉ huy Bảo an quân Hòa Hảo tuyên bố “tử thủ”, ép Tỉnh trưởng giao chính quyền. Trước tình hình này, bộ phận lãnh đạo nội ô quyết định phát động khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ.

Sáng 1-5, lực lượng cách mạng chiếm các công sở chính trong nội ô. Gần trưa 1-5, lực lượng thị xã ở bên ngoài vào phối hợp với bên trong giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ. Đến chiều 2-5, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Long Châu Hà được hoàn toàn giải phóng. Cách mạng thiết lập chính quyền quân quản, truy quét tàn quân, ổn định cuộc sống đồng bào.

Bên phía Long Châu Tiền, ta cũng nhanh chóng giải phóng các địa phương. Tại Tân Châu, chiều 30-4-1975 bộ đội địa phương và du kích, lực lượng tại chỗ giải phóng Vĩnh Xương đến sáng 1-5-1975 chiếm Tân An, Vĩnh Hòa và tiến về thị trấn. Lực lượng tỉnh vượt sông Tiền đêm 30-4-1975 bao vây chi khu, dùng máy bay truyền tin kêu gọi quận trưởng Tân Châu đầu hàng.

Ở Phú Tân, từ trưa 30-4-1975 số ác ôn, ngoan cố trong binh lính, sĩ quan, chính quyền địch phối hợp với các tên đầu sỏ đội lốt tôn giáo, lập các phòng tuyến “tử thủ”. Tuy nhiên, nhờ phối hợp tốt công tác dân vận, binh vận, kết hợp đấu tranh quyết liệt, đến sáng 3-5, bọn đầu sỏ đã chấp nhận thương lượng với cách mạng. Đến chiều 3-5, ta tiếp quản Trung ương Giáo hội, các xã còn lại cũng giải phóng trong ngày 4-5.

Tại Chợ Mới, số binh sĩ cấp cao và bọn phản động trong tổ chức chính trị ở ĐBSCL và bảo an quân lập tuyến phòng thủ nhiều tầng từ rạch Cái Tàu Thượng đến rạch Ông Chưởng. Lực lượng quân khu chi viện lần lượt đánh chiếm tuyến Long Điền - Bà Vệ, kêu gọi Bảo an quân Hòa Hảo đầu hàng. Ngày 4-5, cả ngàn Bảo an quân Hòa Hảo ra hàng tay không nhưng còn trên 3.000 tên bị bọn đầu sỏ khống chế vẫn tiếp tục tử thủ.

Ngày 6-5, quân khu đưa máy bay trinh sát và cho pháo binh bắn vào trung tâm địch, đồng thời mở 3 mũi tấn công vào Tây An Cổ tự, bắt giữ số đầu sỏ phản động, thu hơn 40.000 súng các loại, 35 tàu chiến, 40.000 giạ gạo và rất nhiều quân trang, quân dụng. Chợ Mới là nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên vào năm 1930 và địa phương cuối cùng của tỉnh An Giang được giải phóng.

Ở vào tình thế đặc biệt khó khăn trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-1975 lịch sử nhưng Đảng bộ và quân và dân An Giang vẫn vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

THANH TIẾN