Những ngày... “về nguồn”

31/08/2018 - 06:46

 - Lần thứ 2 tham gia hoạt động về nguồn của Chi đoàn Sở Tư pháp, đến vùng đất được mệnh danh đầy “nắng và gió” như Tây Nguyên, ấn tượng nhất đối với tôi là Nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Nếu phải nhắc đến một nơi minh chứng tội ác của đế quốc thực dân thì hẳn sẽ không thể thiếu tên gọi “Nhà đày”- nơi đã tỏa sáng những tấm lòng yêu nước, từng giam giữ nhiều người tù cộng sản kiên trung, bất khuất.

Không riêng gì tôi, nhiều thành viên trong đoàn cũng trầm ngâm với cái tên “Nhà đày”. Qua lời giới thiệu của chị thuyết minh viên, điểm làm nên sự khác biệt của Nhà đày Buôn Ma Thuột là tù nhân phải tự làm nhà tù để giam giữ chính họ. Đó là cách mà thực dân Pháp tiến hành ở nhà đày có khuôn viên rộng khoảng 2ha, được xây dựng từ năm 1930-1931.

“Vùng đất này xưa kia rất hoang vu, khí hậu khắc nghiệt, có thể nói là chốn “rừng thiêng nước độc”, địa hình rừng núi đan xen ao hồ, sông suối rất phức tạp nên hầu như không có người dân sinh sống. Thế nhưng, chính nơi đây thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà tù này để giam giữ và cô lập những người cộng sản kiên cường, những đảng viên ưu tú của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tường bao xung quanh được xây cao tới 4m, dày 40cm rất kiên cố, nhà đày gồm 6 dãy phòng giam (từ lao 1 đến lao 6), một dãy xà lim và một số hạng mục phục vụ cho việc cai trị: nhà quản ngục, bếp ăn, bệnh xá… Những người tù không may bỏ mạng trong lao ngục đều bị thực dân Pháp quăng xác ra ngoài “cổng thành”. Xác của họ chất nhiều đến nỗi thú dữ chẳng buồn ăn thịt những xác đã chết lâu ngày mà chỉ tìm ăn xác tươi. Một tội ác dã man đến tàn độc”- người thuyết minh viên trong chiếc áo dài xanh lá, cất giọng trầm ấm khi giới thiệu về nhà đày.

Thuyết minh viên giới thiệu về Nhà đày Buôn Ma Thuột

Thuyết minh viên giới thiệu về Nhà đày Buôn Ma Thuột

Nghe đến đây, ai nấy đều ngậm ngùi, bồi hồi nghe “trống” nhịp tim mình đập nhanh hơn. Chúng tôi càng tự hào hơn khi biết rằng, chính những lúc khắc nghiệt nhất, tinh thần yêu nước dâng cao hơn bao giờ hết. Họ - những tù chính trị vẫn âm thầm tổ chức học tập về văn hóa, chính trị, quân sự phù hợp với trình độ và yêu cầu cách mạng của từng người. Tài liệu học tập được ghi chép rất công phu và cất giấu vô cùng kín đáo trong các ống nước uống 2 đáy, trong guốc, dép của tù nhân. Mặc dù chế độ ăn, uống khắc khổ và phải chịu khổ sai dã man nhưng những người cộng sản vẫn giữ được lòng sắt son với Tổ quốc.

“Mỗi ngày, tù nhân chỉ được ăn 700gr gạo, đi lao dịch trên công trường được nhỉnh hơn một chút (800gr gạo). Với chế độ nửa tháng ăn mặn và nửa tháng ăn lạt (không nêm nếm muối) đã khiến tù nhân phát sinh rất nhiều bệnh, có bệnh nặng không thể chữa được. Mỗi buổi ăn, chúng chỉ cho tù nhân vài phút, ngay cả vệ sinh, tắm gội cũng vậy, nếu chậm trễ, sẽ bị đánh đập rất dã man”- người thuyết minh cho biết.

Tặng quà cho học sinh và bà con nghèo buôn Dliêya

Tặng quà cho học sinh và bà con nghèo buôn Dliêya

Ngày nay, Nhà đày Buôn Ma Thuột được công nhận là di tích lịch sử của tỉnh Đắk Lắk, nằm yên ả, trầm mặc giữa bốn bề cây xanh, hoa thơm, trái ngọt, được nhiều khách du lịch tham quan. Song, tham quan chỉ là thứ yếu, đều chúng tôi muốn là được cảm nhận rõ hơn về những tháng năm gian khổ, đầy khắc nghiệt nhưng lại hào hùng của người chiến sĩ kiên trung. Và đấy mới thật sự là... về nguồn!

Chuỗi hoạt động về nguồn càng tăng hơn ý nghĩa khi đoàn có buổi thăm, tặng quà cho bà con nghèo của buôn Dliêya (xã Dliêya, huyện Krông Năng, Đắk Lắk). Từ TP. Buôn Ma Thuột, vượt hơn 80 cây số, qua đoạn đường đồi núi gập ghềnh, có đoạn tưởng chừng như “thách đố” bác tài, chúng tôi đến buôn Dliêya trong niềm phấn khởi của bà con.

Với tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo”, Chi đoàn Sở Tư Pháp đã trao tặng 1.000 quyển tập cho học sinh nghèo, 200 phần quà (gạo, mùng, mền) cho gia đình nghèo, đặc biệt khó khăn ở buôn Dliêya. Đồng thời, trao 4 phần quà cho mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách.

Ông Y Đêksơr, Bí thư Chi bộ buôn Dliêya cho biết: “Buôn chúng tôi có 287 hộ, hơn 3.600 nhân khẩu, với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống. Bà con ở đây sống chủ yếu bằng nghề thuê rẫy làm nông, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Do điều kiện địa hình đồi núi cao nên nhiều em đành gián đoạn việc học, phụ cha, mẹ tìm kế mưu sinh”.

Hôm nhận trên tay những phần quà của miền xuôi, nhiều người cứ ôm chặt trên tay, thỉnh thoảng họ lại cười bảo nhau: “Phần quà này quý lắm. Nó có thể giúp nhiều gia đình đỡ lo cái ăn trong nhiều ngày”.

“Được sự quan tâm của Đảng ủy Sở Tư pháp, đoàn viên chúng tôi đã được tạo điều kiện về nguồn với những hoạt động vô cùng ý nghĩa và thiết thực. Đó không chỉ là kỷ niệm đẹp, mà còn là hành trang và là vốn sống quý báu để chúng tôi tích lũy cho bản thân, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao” - anh Nguyễn Minh Hiền (đoàn viên Chi đoàn Sở Tư Pháp) bộc bạch sau chuyến đi.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN