Những người “canh giữ” ngôi nhà Bác

20/08/2018 - 04:24

 - Ngoài trách nhiệm làm nhân viên trực bảo vệ Khu lưu niệm (KLN)Chủ tịch Tôn Đức Thắng, 20 năm qua, chú Tôn Thành Thái (Tư Thái, sinh năm 1960) và anh Tôn Long Bạch (sinh năm 1974) giữ vai trò không nhỏ trong việc bảo vệ, giữ gìn những kỷ vật trong quần thể KLN. Họ là thế hệ con, cháu mang họ Tôn, nên càng trân trọng kỷ vật người xưa để lại.

Ngôi nhà gắn với những  ký ức tuổi thơ

Căn nhà sàn

Chú Tư Thái hướng dẫn tôi sang ngôi nhà sàn (một trong các điểm tham quan của KLN), nơi gắn liền với tuổi thơ của chú. Hai chú cháu ngồi dưới gốc cây cau, gần lối vào nhà sàn, để nghe chú kể lại những năm tháng xa xưa, tràn ngập tiếng cười đùa.

“Tôi là cháu đời thứ 3, gọi Bác Tôn là ông bác Hai (cháu nội của cụ Tôn Đức Nhung - em thứ hai của Bác Tôn). Sinh ra và lớn lên ngay chính tại ngôi nhà này, nên những kỷ niệm thuở nhỏ vẫn còn mãi trong ký ức. Lúc nhỏ, nhiều cây cối bao quanh, tôi cùng con, cháu trong gia đình, họ hàng xung quanh thường xuyên tụ tập chơi đủ trò: ô ăn quan, kéo mo cau, nhảy lò cò, trốn tìm…”.

Chú Tư Thái chỉ lối đi nằm trên khoảnh đất trống kế bên ngôi nhà, ngay phía trước mặt chúng tôi: “Ngoài ngôi nhà sàn chính, nơi đó trước đây là gian nhà phụ, phía sau có cả nhà bếp kề bên nữa. Do thời đó chỉ làm bằng cây gỗ tạp, bị hư hỏng theo thời gian nên không còn nữa. Nhưng tôi không bao giờ quên hình ảnh cũ, mỗi khi nhìn ngôi nhà là tôi nhớ lại những kỷ niệm xưa”.

Cuộc đời chú còn may mắn khi được gặp gỡ người ông tôn kính của mình một lần duy nhất. Chú nhớ lại: “Vào tháng 10-1975, ông bác Hai trở về thăm quê hương. Thời gian gặp chỉ vỏn vẹn 45 phút, tôi không thể nào quên. Đây là lần cuối cùng ông đặt chân lên mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” trước khi ra đi mãi mãi. Năm đó, tôi khoảng 16 tuổi, chỉ có thể đứng bên ngoài nhìn ông trò chuyện với những người lớn tuổi trong gia đình, dòng họ. Ông nói chuyện chậm rãi, nhẹ nhàng, hòa nhã, gần gũi mọi người, không chút gì xa cách, thể hiện đậm nét tính chất phác của người dân quê mình.

Đặc biệt, sự giản dị của ông khiến ai cũng cảm động. Khi về đến nhà, ông chỉ mặc áo sơ-mi trắng và chiếc quần bạc màu có kèm mảnh vá, chân đi dép râu. Nhìn ông như vậy, bản thân tôi rất mến phục. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng hơn trong công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người quản lý bảo vệ, người con, cháu đối với ông, bà…”.

Hiện tại, chú Tư Thái là Đội trưởng Đội bảo vệ KLN Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Hãnh diện khi được làm việc tại nơi này

Chú Tư Thái nâng niu từng kỷ vật trong ngôi nhà

Cũng là cháu mang họ Tôn, nhưng sinh ra thuộc thế hệ thứ 4, nên anh Tôn Long Bạch chỉ biết được tính cách, lối sống của người ông Tôn Đức Thắng thông qua lời kể của mọi người và hình ảnh còn lưu giữ lại trong gia đình, KLN. Những năm đầu khi vào làm việc tại KLN, anh là nhân viên phụ trách chăm sóc cây xanh; rồi được vào đội bảo vệ, canh giữ đền thờ, nhà sàn và hương khói các nơi này…

Khi nhắc về Bác Tôn, anh Tôn Long Bạch mường tượng: “Lúc sinh ra còn quá nhỏ nên tôi không gặp được mặt ông. Dù vậy, qua lời kể và tìm hiểu về ông, tôi cảm nhận được tinh thần cách mạng, quyết tâm to lớn trong ông khi hy sinh hạnh phúc riêng tư, phấn đấu vì độc lập tự do, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Đối với ngôi nhà sàn, khi tôi lớn lên thì ngôi nhà đã được chính quyền quản lý, bảo quản. Vì vậy, trẻ con quanh khu vực ít được tự do ra vào.

Bây giờ, với công việc hiện tại, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể vào ngôi nhà - một trong những kỷ vật của dòng họ mình, nơi đã từng sinh ra vị lãnh tụ kính yêu của bao thế hệ. Sau này, khi không công tác tại KLN, tôi sẽ thường xuyên đến viếng đền thờ, thăm nhà sàn và hương khói cho ông mình”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG