Những người phụ nữ “giữ lửa” cho làng nghề truyền thống

07/02/2019 - 00:45

 - Dù có lúc thăng trầm, nhưng những người phụ nữ ấy vẫn cần mẫn theo đuổi nghề thủ công truyền thống. Với họ, đó là niềm tự hào, ngoài nhu cầu sinh kế còn hàm ẩn ý nghĩa về cội nguồn.

Người Chăm ở An Giang vẫn còn giữ gìn bản sắc văn hóa riêng khá đậm nét. Ấn tượng trong số đó là trang phục ngày thường cũng như trong các ngày lễ quan trọng. Phụ nữ Chăm gắn liền với hình ảnh ngồi bên khung cửa, thoăn thoắt đôi tay trên khung dệt vải thổ cẩm hay chăm chút từng đường nét thêu thùa trên chiếc khăn Matơra truyền thống. Từ năm 14 tuổi, cô Phatymah (ấp Châu Giang, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) đã được mẹ truyền dạy nghề thêu truyền thống của dân tộc mình. Suốt 40 năm gắn bó với nghề, dù qua bao thăng trầm của năm tháng, cô Phatymah vẫn miệt mài chỉ dạy con, cháu trong gia đình và ở xóm để cùng nhau gìn giữ nét đẹp của dân tộc mình. “Hầu như cô gái Chăm nào khi lớn lên đều được người bà, người mẹ truyền lại nghề thêu, dệt, làm bánh. Đó là những tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của người phụ nữ khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng…”- cô Phatymah giải thích.

Dù hàng bán không được nhiều như trước đây, nhưng các sản phẩm thêu của phụ nữ Chăm ở Châu Phong được nhiều người trong và ngoài nước lựa chọn, bởi nhiều người yêu thích các họa tiết, dù nhỏ nhất cũng được làm bằng tay. Người thợ phải đếm từng sợi chỉ của chiếc khăn, sau đó sẽ đi những nét đứng, nét xiên đều nhau. Choàng trên đầu chiếc khăn mas-pok màu trắng, điểm một vài họa tiết đơn giản, nhưng khi phối cùng trang phục giúp người phụ nữ Chăm thêm phần sang trọng, xinh đẹp khi đi tiệc cưới, lễ hội. Vì là loại hàng cao cấp, nên chiếc khăn mas-pok hiện nay chủ yếu để xuất khẩu. Tùy theo tay nghề của từng người, từ 10-15 ngày mới hoàn thành, do phải trải qua nhiều công đoạn: thêu chân khăn, họa tiết, công phu nhất là đường viền.

Nằm ở xã Châu Phong, ấp Phũm Soài nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, với nhiều sản phẩm phong phú, như: xà rông, khăn choàng, túi xách… Sản phẩm đủ loại, từ thông dụng nhất, đến các loại cao cấp dành cho xuất khẩu. “Làng nghề dệt thổ cẩm nơi đây góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc từ xa xưa, khi các công đoạn đều được người thợ thực hiện bằng tay. Tất cả những sản phẩm làm ra đều do những người thợ khéo tay nhất dệt thành”- ông Go Sa Ly, Chánh Văn phòng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang cho biết. Bằng chính sự khéo tay của mình, người phụ nữ Chăm đã lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc qua những sản phẩm thủ công. Bởi, gắn liền với lịch sử phát triển dân tộc thiểu số Chăm, trang phục truyền thống vừa là biểu hiện bản sắc văn hóa, vừa thể hiện sự tín ngưỡng của dân tộc. Trong thời buổi công nghiệp hiện đại, những sản phẩm được dệt bằng thủ công vẫn có đất sống, đó là nhờ chính tay nghề của người thợ tâm huyết, khéo tay.

Chẳng ai còn nhớ, nghề làm gốm ở Phnôm Pi (xã Châu Lăng, Tri Tôn), với các sản phẩm: cà ràng, lò than, khuôn bánh khọt, nồi… đã tồn tại từ bao giờ. Những cao niên ở đây kể rằng, từ thời các bà, các mẹ đã có nghề này. Nét đặc sắc của nghề làm gốm ở Phnôm Pi là tất cả các công đoạn đều được người thợ làm bằng tay, không hề sử dụng bàn xoay hay các kỹ thuật khác. Đặc biệt, nghề ở đây chỉ do phụ nữ phụ trách, theo kiểu “mẹ truyền con nối”; người đàn ông thì đào đất, gánh đất, đập đất, đốn củi… Thời buổi hiện nay, thiết bị nhà bếp được trang bị hiện đại, thị trường gốm Phnôm Pi bị thu hẹp. Tuy nhiên, vì có những nét độc đáo riêng, những người thợ vẫn muốn lưu giữ làng nghề hàng trăm năm tuổi của dân tộc bằng cách cải tiến sản phẩm phù hợp hơn.

  Ở vùng Bảy Núi còn có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng bằng thủ công đang được gìn giữ bởi những người phụ nữ Khmer. Đó là sản phẩm từ dệt thổ cẩm Văn Giáo (Tịnh Biên). Những thợ lâu năm trong nghề kể, xưa kia làng nghề chỉ dệt một loại chăn-sa-guong (sà rông). Từ sản phẩm truyền thống ban đầu, thợ dệt thử sáng tạo thêm bằng cách cách điệu thêm hoa văn, mẫu mã đa dạng hơn. Chị Neáng Sa Mol được biết đến là người thợ dệt được các sản phẩm khăn hình (tượng Phật, hoa văn…) được UBND tỉnh tặng danh hiệu “Nghệ nhân An Giang”. Đặc biệt, bà con còn đặt mua sản phẩm để cúng dường chư tăng trong các dịp lễ. Hiện nay, làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo có 25 thợ dệt hoa văn, họa tiết phức tạp và 118 thợ dệt đơn giản. “Với chiếc khăn dài 3m, ngang 0,95m, khăn màu có giá 900.000-1 triệu đồng, còn khăn hình từ 1,2-1,3 triệu đồng. Phải chuẩn bị nguyên liệu và dệt hoàn toàn thủ công nên mất khoảng 10 ngày mới xong”- chị Neáng Sa Mol cho hay. Thông thường, vào dịp Tết dân tộc, lễ hội hoặc khi đi chùa lễ Phật, cùng với trang phục truyền thống, người phụ nữ Khmer vắt qua vai chiếc khăn rằn hoặc khăn trắng, hồng được xếp lại, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa có ý nghĩa tín ngưỡng, tạo thành nét văn hóa độc đáo dân tộc thiểu số Khmer. Du khách trong, ngoài nước thích thổ cẩm Văn Giáo ở sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trên từng họa tiết, hoa văn, màu sắc, nhất là khách hàng Campuchia. Thay vì nhuộm chỉ bằng màu công nghiệp, chị Neáng Sa Mol lựa chọn màu của vỏ cây để nhuộm các sản phẩm của mình. Do thu nhập còn ít, công sức bỏ ra khá nhiều, chị em làng nghề Srây Sakốth chỉ coi dệt là nghề phụ. Tuy nhiên, chị Neáng Sa Mol vẫn ngày ngày miệt mài sáng tạo, trau dồi tay nghề, quyết tâm gìn giữ nghề đặc trưng của dân tộc thiểu số Khmer.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích