Những nỗi đau không thể xóa nhòa

27/04/2018 - 06:39

 - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó vẫn còn hằn sâu. Trong đó nỗi bất hạnh mà chất độc da cam/dioxin để lại vẫn hàng ngày hành hạ, giày vò nhiều gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dẫu muốn quên cũng chẳng thể nào quên. Bởi, từng nạn nhân và gia đình họ chưa hề có phút giây hạnh phúc trọn vẹn…

Bước vào ngôi nhà có vẻ ngoài khang trang của gia đình bà Huỳnh Ngọc Hạnh (khóm Mỹ Lộc, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên,  An Giang), chúng tôi không thể ngờ rằng, nhiều bất hạnh đang trú ngụ trong đó.

Người mẹ già yếu, đãng trí, đã dần quên mất con mình, đang sống trong một thế giới riêng. Bên góc nhà, 3 người con trai không thể đi đứng, sinh hoạt hay trò chuyện được, là anh, em trai của bà Hạnh.

Người lớn nhất đã gần 47 tuổi, người nhỏ nhất cũng ngoài 40 nhưng tâm trí và cơ thể họ không phát triển bằng đứa trẻ lên 3, chỉ vì những ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin.

Hiện tại, cả gia đình hoàn toàn dựa vào sự cố gắng, nỗ lực vượt qua bất hạnh của 2 người phụ nữ khỏe mạnh nhất trong nhà: chị, em bà Hạnh.

Mỗi ngày, bà Hạnh phải lao động gấp đôi người bình thường để kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa phải lo cho 2 người con và đứa cháu đang tuổi ăn tuổi học. Phần chăm sóc, lo lắng cho người thân, bà trông cậy hết vào người chị của mình.

Cha của bà Hạnh, dù gần 80 tuổi, nhưng vẫn đi trông coi hàng hóa cho người khác để có chút tiền, đỡ đần kinh tế cho con.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Hạnh nói như khóc: “Khổ nỗi, 2 chị, em tôi giờ đều mang bệnh trong người. Tôi là lao động chính, thường xuyên làm việc nặng nhọc.

Bệnh thoái hóa xương, tiểu đường, u nang buồng trứng hành hạ, nhiều lúc tôi muốn nghỉ việc để bớt mệt mỏi. Nhưng nhớ tới những người bệnh trong nhà, tôi lại phải ráng hơn nữa. Nếu không, cả nhà biết sống nhờ vào đâu?”.

Những nỗi đau không thể xóa nhòa

Những nỗi đau không thể xóa nhòa

Thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn TP. Long Xuyên 

Cuộc sống có phần khấm khá hơn gia đình bà Hạnh, nhưng đối với ông Lâm Văn Hùng (ngụ khóm Trung Hưng, phường Mỹ Thới,  TP.  Long Xuyên), nỗi đau da cam/dioxin là cơn ác mộng dai dẳng, kéo dài.

Đứa con trai út của ông khi vừa sinh ra đã hứng chịu mọi di chứng của chất độc. Em không thể đi đứng, nói năng và phát triển bình thường như 2 chị gái dù ông Hùng tìm mọi cách cứu chữa.

Bản thân ông cũng bị nhiễm chất độc hóa học chết người ấy. Đó là nỗi đau quá lớn, không thể nguôi ngoai đối với người lính từng tham gia 42 trận chiến bảo vệ quê hương, đất nước.

Ông tâm sự: “Khi phát hiện ra bệnh, tôi lo lắm. Lo không biết sức khỏe mình có kéo dài không, sẽ tiến triển đến mức nào? Nếu tôi có bề gì, đứa con này sẽ ra sao? Nhưng lo thì lo, vẫn phải vượt lên mà sống, đâu thể làm khác hơn”.

Chất độc da cam/dioxin hiện hữu trên thân thể, cướp đi sức khỏe, nhận thức của người bệnh, biến họ thành gánh nặng của gia đình.

Đặc biệt, chính sự di truyền mạnh mẽ của loại chất độc hóa học từ thế hệ này sang thế hệ khác đã khiến họ chịu nhiều áp lực, bị mọi người kỳ thị, xa lánh.

Việc lập gia đình, sinh con, nuôi dưỡng đối với họ trở nên xa vời. Hạnh phúc dù nhỏ cũng vượt ngoài tầm tay, khiến họ đau đáu khôn nguôi!

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP. Long Xuyên có 254 người đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, trong đó có 207 người là cán bộ tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và 47 người là con em của họ.

Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố đã tranh thủ mọi nguồn nhằm kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, tiếp thêm động lực giúp nạn nhân và gia đình họ vươn lên trong cuộc sống.

Qua đó, đã hỗ trợ cất mới 7 căn nhà, trao trên 1.000 suất quà cho nạn nhân và gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp lễ, Tết; cấp 47 xe lăn; trợ cấp học bổng, học phẩm cho con em nạn nhân nghèo hiếu học; hỗ trợ 2 gia đình nạn nhân được vay vốn…

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Long Xuyên Trần Văn Võ bày tỏ: “Với sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời, 5 năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn được nâng lên. Điều đáng phấn khởi là không còn gia đình nạn nhân nào sống cảnh nhà tre, vách lá tạm bợ.

Tuy nhiên, qua rà soát, toàn thành phố vẫn còn trên 1.700 người bị nghi phơi nhiễm cần được quan tâm, tạo điều kiện để họ được khám bệnh và xem xét mức độ ảnh hưởng.

Do đó, thời gian tới, bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương để họ có điều kiện chăm sóc sức khỏe, vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, xã hội”.

Chúng tôi đã kết thúc công việc của mình, chia tay những nạn nhân và gia đình họ.Thế nhưng, khắc sâu trong chúng tôi là tiếng nói cười ê a không rõ nghĩa, ánh mắt ngây ngô của người bệnh, đối lập hoàn toàn với giọt nước mắt và đau thương của người nhà họ. Tương lai họ sẽ ra sao, đến bao giờ nỗi đau ấy mới được xóa nhòa?

Bài, ảnh: GIA KHÁNH