Những nông dân “chân đất” mê làm từ thiện

07/02/2018 - 01:00

 - Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, mỗi khi rảnh rỗi việc đồng áng, những người vốn quen với cái cuốc, cây cày lại hòa mình vào “hơi thở” quê hương với những công việc thiện nguyện như: làm đường, cất cầu, dựng nhà… Hình ảnh những người nông dân (ND) chân đất làm từ thiện đẹp biết bao. Bởi, người góp công, người ra sức, ai cũng mang cả tấm lòng vào hành trình làm mới “bộ mặt” nông thôn.

ND nhiệt tâm trên mọi mặt trận 

Với bà con xã Tây Phú (Thoại Sơn), hình ảnh ND Nguyễn Phước Đức (sinh năm 1984, ngụ ấp Phú Lợi) lăn xả làm đường hay phải "lặn lội" khắp nơi để xin từng cây bạch đàn về cất nhà cho người nghèo đã quá quen thuộc. Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng năm tháng anh tham gia công tác từ thiện ở địa phương là không ít.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với những mảnh đời bất hạnh hay góp sức nhỏ cùng bà con xây dựng quê hương, anh Đức vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc. “Lần đó, thấy 1 người vừa mất gần xóm quá nghèo, không có tiền lo tang chế, tôi thương quá nên đành “bạo gan” đi vận động những người quen biết hỗ trợ tiền để phụ gia đình họ. Lần đầu tiên quyên góp, lại là vào giữa khuya, tuy không nhiều nhưng được gần 5 triệu đồng để lo cho người mất được yên nghỉ. Từ đó, hễ thấy ai gặp khó khăn, tôi đều vận động tiền hỗ trợ.

Phong trào xây dựng cầu, đường xây dựng nông thôn mới rầm rộ với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", tôi thấy mình tiếp được gì thì tiếp. Trung bình mỗi năm, tôi đóng góp và vận động được trên 100 triệu đồng cho những hoạt động từ thiện ở địa phương” - anh Đức bộc bạch.

Anh Đức vui mừng trước con đường do mình vận động để bà con có lối đi an toàn

Anh Đức vui mừng trước con đường do mình vận động để bà con có lối đi an toàn

Ngoài năng nổ, nhiệt huyết, không nề hà khó khăn, anh Đức còn thường xuyên vận động gia đình, bạn bè trong mọi hoạt động thiện nguyện.

Theo anh Đức, để kêu gọi sự “tiếp sức”, trước nhất, mình phải làm gương và tạo được uy tín thì mọi việc mới suông sẻ. Vì quá đam mê với những công việc thiện nguyện, thời gian đầu, vợ anh tỏ ra không vừa lòng khi thấy chồng ít dành thời gian cho gia đình, anh cố gắng giải thích mong vợ thông cảm, bởi việc anh làm là có ích cho xã hội.

Hiện, vợ anh chính là người song hành và là chỗ dựa vững chắc giúp anh yên tâm mỗi khi làm từ thiện. Dẫn chúng tôi đi trên con đường quê sạch đẹp, anh Đức cho biết nếu trước đây nhìn thôi cũng không dám đi. Vốn là con đường đất, trời mưa lầy lội, trơn trượt.

“Mấy đứa trẻ đi học cứ té lên, té xuống, tội lắm! Thấy vậy, tôi đã vận động bà con nâng cấp con đường dài 3,3km, rải cát đá sạch đẹp với tổng kinh phí 2 lần làm đường gần 60 triệu đồng. Đây là công lao của tất cả mọi người”- anh Đức phấn khích chia sẻ.

Dù bệnh vẫn tham gia từ thiện

 Cũng là ND chân đất, tham gia từ thiện bằng cái tâm, ông Nguyễn Văn Tuân (sinh năm 1966, ngụ ấp Phú Lợi, xã Tây Phú) hăng say với những việc làm ý nghĩa mà bản thân đã theo đuổi gần 20 năm qua.

Với suy nghĩ đơn giản, bản thân còn sức khỏe, cuộc sống không gặp khó khăn, trắc trở, con cái đã an bề gia thất nên ông Tuân tìm niềm vui qua việc đóng góp công sức xây dựng quê hương. Cứ nghe địa phương có nơi nào dựng cầu hay làm đường, ông Tuân lại xông xáo theo chân những người thợ, người anh em đóng góp ngày công xây dựng.

Cứ thế, mỗi năm ông Tuân đóng góp gần 50 ngày công. Với người bình thường, trẻ khỏe thì việc đó chẳng là bao, nhưng điểm đáng quý là ông Tuân rất nhiệt tình dẫu sức khỏe đôi khi không cho phép.

Cây cầu có ngày công đóng góp của ông Tuân

Cây cầu có ngày công đóng góp của ông Tuân

“Hơn 10 năm nay, ngày nào tôi cũng uống thuốc trợ tim vì mắc phải căn bệnh hẹp động mạch cảnh và thiếu máu cục bộ. Nhờ ăn uống điều độ nên sức khỏe tôi ổn định.

Tôi cho rằng, việc góp ngày công khi xây dựng cầu đường là tạo điều kiện để mình rèn luyện sức khỏe. Vì ngoài việc đồng áng, bản thân chẳng làm gì.

Nhiều người sợ tôi làm mệt, nên chỉ giao việc nhẹ như: hốt cát, đổ đá. Nhưng kỳ thật, càng tham gia cùng mọi người, tôi thấy phấn khích và không hề có cảm giác mệt mỏi” - ông Tuân cho biết.

Không chỉ vậy, ông Tuân còn vận động bà con quanh xóm tham gia đóng góp ngày công để các công trình xây dựng sớm đi vào hoạt động.

Ngoài đóng góp công sức, ông Tuân còn sẵn sàng hỗ trợ vật chất khi cần. Mỗi năm, ông đóng góp gần 10 triệu đồng cho các hoạt động thiện nguyện. Ông Tuân còn được Hội ND các cấp khen thưởng với thành tích là ND sản xuất - kinh doanh giỏi.

Điều này chứng minh, người ND quanh năm “tay lấm chân bùn” nhưng vẫn rất giàu tình thương, sẵn sàng ra công, ra sức cùng chính quyền địa phương dựng xây quê hương.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN