Những thí nghiệm truyền cảm hứng cho quái vật Frankenstein

04/11/2018 - 09:49

Vào thời điểm Frankenstein được xuất bản cách đây 200 năm, người thời đó đã quá quen với khái niệm cho rằng có thể hồi sinh xác chết bằng dòng điện, theo The Conversation.

Hình vẽ phản ánh thí nghiệm của Giovanni Aldini. WELLCOME COLLECTION

Vào ngày 17-1-1803, một tử tù trẻ tuổi tên George Forster bị treo cổ tại trại giam Newgate ở London. Sau vụ hành hình, cũng như những trường hợp tương tự, xác người này được đưa khắp thành phố đến Đại học Phẫu thuật Hoàng gia, nơi thi thể sẽ bị mổ xẻ công khai. Thế nhưng, chuyện xác bị mổ không phải là điều gì quá ghê gớm, mà rùng rợn hơn là sau đó thi thể bị kích thích bằng dòng điện.

Nỗ lực hồi sinh xác chết

Những cuộc thí nghiệm dạng này được tiến hành dưới bàn tay của nhà triết học về tự nhiên Giovanni Aldini (Ý). Lúc đó, tờ The Times mô tả về cuộc thí nghiệm trên xác Forster như sau: “Khi dòng điện đầu tiên truyền vào khuôn mặt, phần hàm của xác chết bắt đầu run rẩy, các cơ liền kề méo mó dữ dội, và một con mắt thật sự mở ra. Kế đến, tay bên phải nâng lên và siết chặt, còn chân và đùi di chuyển”. Đối với một số người chứng kiến, “như thể cái xác đã vô hồn đang chuẩn bị sống dậy”.

Tất nhiên, chẳng có chuyện gì bất ngờ diễn ra sau đó. Người chết vẫn chết. Dù vậy, đây là một trong những nỗ lực được chuyên gia Aldini theo đuổi nhằm bảo vệ lý luận của người cậu là nhà vật lý học Luigi Galvani trước phe phản đối.

Chính ông Galvani là người tìm ra cái gọi là “điện sinh vật” vào năm 1780, với thí nghiệm nổi tiếng nhất trong kích thích thần kinh cơ là truyền dẫn điện vào đùi ếch trước khi rút ra kết luận rằng cơ thể sinh vật tồn tại một dòng điện. Tuy nhiên, nhà vật lý người Ý Alessandro Volta, người phát minh pin điện, phản bác lập luận trên. Theo ông Volta, điện “sinh vật” sản sinh trong quá trình tiếp xúc với kim loại chứ không phải là một thuộc tính của tế bào sống.

Thế nhưng, điều này không ngăn một số người điên cuồng theo đuổi giả thuyết cho rằng có thể sử dụng điện để hồi sinh người chết, trong đó có tiểu thuyết gia trẻ tuổi Mary Wollstonecraft Shelley, tác giả quyển Frankenstein và chồng tương lai của bà là Percy Bysshe Shelley. Và nữ tác giả đã xây dựng một nhân vật “quái vật” được tạo ra từ bàn tay của con người.

Cuộc thí nghiệm rùng rợn

Hai năm sau khi họ cưới nhau, Frankenstein được xuất bản vào năm 1818, và khi đó giới độc giả đã quen thuộc với quan điểm cho rằng có thể dùng dòng điện tạo nên sự sống hoặc đưa con người trở về từ cõi chết. Vài tháng sau khi tiểu thuyết giả tưởng trên lên kệ tại London, nhà hóa học Scotland là Andrew Ure thực hiện thí nghiệm trên xác của Matthew Clydesdale, một tử tù bị hành hình vì tội giết người.

Khi dòng điện truyền vào xác chết, ông Ure viết “từng bó cơ trên mặt ông ta đồng thời xuất hiện những biểu cảm đáng sợ, từ giận dữ, kinh hoàng, tuyệt vọng, thống khổ và những nụ cười rùng rợn”. Một số người đứng xem đã phải lảo đảo bỏ chạy khỏi phòng, một người đàn ông còn ngất xỉu.

Theo thời gian, những thí nghiệm trên biến mất theo thời gian. Và đến nay con người biết rằng họ vẫn chưa nắm được công thức tạo ra hoặc hồi sinh sự sống, như từng được đề cập trong tiểu thuyết nổi tiếng toàn thế giới.

Theo HẠO NHIÊN (Thanh Niên)