Những tín hiệu tích cực trong ngày họp thứ ba Hội nghị Thượng đỉnh G7

27/08/2019 - 07:22

Ngày 26-8, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại thành phố cảng Biarritz của Pháp đã ghi nhận một số diễn biến tích cực trong nhiều vấn đề.

Thứ nhất, đã có những dấu hiệu "tan băng" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đàm phán với Trung Quốc đang ở tình thế tốt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng để ngỏ mọi khả năng về chính sách thuế quan đối với Bắc Kinh.     

Lãnh đạo các nước G7 và Đại diện Liên minh châu Âu dự hội nghị ở Biarritz, Pháp ngày 25-8-2019. Ảnh: AFP/TTXVN

 Trả lời báo chí bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp ngày 26/8, ông Trump cho biết: "Cả hai đang ở tình thế tốt hơn bao giờ hết trong đàm phán. Tôi nghĩ chúng tôi đang ở tình thế chắc chắn hơn để đạt được một thỏa thuận. Một thỏa thuận công bằng cho tất cả mọi người". Ông nhấn mạnh Trung Quốc là một nước lớn và đã mất hàng triệu việc làm vào tay các nước khác, và ở trường hợp như Trung Quốc, thì Mỹ chắc chắn muốn có thỏa thuận.

Liên quan đến bước tiếp theo trong cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Tổng thống Trump khẳng định mọi điều có thể xảy ra. Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc muốn có thỏa thuận thương mại sau khi nước này liên lạc với các quan chức thương mại Mỹ vào tối 25/8 để thông báo rằng Bắc Kinh muốn quay lại bàn đàm phán.             

Cũng trong ngày 26-8, Tổng thống Mỹ Trump đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, trong đó nội dung chính tập chung vào một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU). Trả lời báo chí sau cuộc gặp song phương, Tổng thống Trump cũng hy vọng Washington sẽ không phải xem xét việc áp thuế đối với mặt hàng ô tô của Đức.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel bày tỏ mong muốn EU đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ càng sớm càng tốt. Theo nhà lãnh đạo Chính phủ Đức, EU rất quan tâm tới việc tăng cường thương mại và nhiều khả năng các nước EU có thể tìm ra giải pháp. Bà khẳng định nước Đức cũng đang nỗ lực trong vấn đề này. 

Trong một diễn biến tích cực đối với quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU, Mỹ và Pháp đã đạt được thỏa hiệp về kế hoạch áp thuế công nghệ số của Chính phủ Pháp, vốn khiến Tổng thống Mỹ Trump đe dọa áp thuế đối với rượu vang nhập khẩu từ Pháp.

Theo một nguồn thạo tin, thỏa hiệp đạt được giữa Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Theo Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Pháp sẽ hoàn lại cho các công ty công nghệ khoản chênh lệch giữa mức thuế của Pháp và một cơ chế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra.       

Bên cạnh đó, diễn ra trong bối cảnh tình trạng cháy rừng Amazon đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, ngày 26/8, Hội nghị thượng đỉnh G7 đã nhất trí chi 20 triệu euro (tương đương 22 triệu USD) cho rừng Amazon, trong đó chủ yếu là để điều các máy bay cứu hỏa tới khống chế đám cháy đang bao trùm khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Chile Sebastian Pinera cho biết tại hội nghị lần này, các nước G7 cũng nhất trí ủng hộ kế hoạch tái trồng rừng trong trung hạn. Dự kiến, kế hoạch này sẽ được công bố tại hội nghị của Liên hợp quốc vào tháng Chín tới. Sáng kiến trên được công bố sau khi các lãnh đạo G7 thảo luận về vấn đề môi trường, trong đó tập trung vào các vụ hỏa hoạn đã phá hủy một diện tích rộng lớn của rừng Amazon.

Tổng thống Pháp Macron đã coi đây là vấn đề ưu tiên của hội nghị và cảnh báo sẽ chặn thỏa thuận thương mại mới giữa EU và Mỹ Latinh nếu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, không có bước đi bảo vệ rừng Amazon. Điều này đã vấp phải sự phản đối mạnh của Tổng thống Brazil.   

Theo KHÁNH LY (Báo Tin Tức)