Những vết trượt dài

04/01/2018 - 08:33

 - Ngày cuối năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm một vụ án hình sự. Nội dung vụ án không có nhiều tình tiết phức tạp. Bị cho là người lấy trộm chiếc xe đạp, Lê Thị Tuyết Nga (sinh năm (SN) 1983, ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) tìm cách thanh minh, giải thích, rồi tức giận đâm chết người “vu oan” mình. Nhưng, phía sau vụ án ấy ẩn chứa câu chuyện buồn về vết trượt dài của một phụ nữ.

Vừa học đến lớp 3, Nga trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, bắt đầu hành trình mưu sinh, lăn lộn với cuộc sống. Lưu lạc một thời gian, Nga gặp người đàn ông hợp ý, nên lập gia đình. Cứ ngỡ cuộc đời sẽ sang trang mới, nhưng Nga lại tiếp tục gặp chuyện không may. Gia đình tan vỡ khi tuổi đời chưa tròn 20, lại phải có trách nhiệm với đứa con gái mới sinh, bao khó khăn ập đến khiến Nga chao đảo.

Đau đớn hơn, những sai lầm lúc trước khiến Nga bị nhiễm HIV. Không nghề nghiệp, cuộc sống bấp bênh càng làm Nga vướng sâu vào sai lầm. 28 tuổi, Nga bị đưa đi cai nghiện bắt buộc 2 năm. 33 tuổi, bị UBND phường Châu Phú A (TP. Châu Đốc) ra quyết định giao cho cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội tỉnh để chờ thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cuối năm 2016, Tòa án nhân dân TP. Châu Đốc đình chỉ việc áp dụng cai nghiện. Nga tiếp tục sống trong chuỗi ngày lầm lỡ, đắng cay, kiếm tiền từ việc “buôn hương bán phấn”. Nhưng không ngờ, chuyện tệ nhất vẫn còn ở phía trước.

Tờ mờ sáng 22-8-2017, bà Vân đang bán trái cây thì nghe tin: chiếc xe đạp mi-ni của bà bị kẻ gian “nẫng” mất. Không biết ai lấy, nên khi thấy Lê Văn Thắng (SN 1990, ngụ phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) và Nguyễn Ngọc Thanh (SN 1999, ngụ xã Đa Phước, An Phú) đi ngang qua, bà nhờ vả: “2 đứa bây thấy ai bán chiếc xe đạp mi-ni màu trắng của tao, cho tao hay”.

Xin bà cho mỗi đứa 10.000 đồng, cả 2 hứa sẽ chỉ chỗ lấy xe đạp. Đi theo tới đường hẻm cách ngã ba Bưu điện Núi Sam khoảng 50m, bà Vân thấy chiếc xe đạp của mình dựng trong hẻm. Thắng, Thanh hỏi mượn xe đạp đi mua đồ ăn. Khi cả 2 quay về trả xe, bà thấy một phụ nữ ngoài 30 tuổi đi cùng.

Người phụ nữ hỏi bà: “Dì dòm mặt tôi, phải đứa lấy xe của dì không?”. Bà Vân phân bua: “Tao có biết đứa nào lấy xe của tao đâu!”. Người phụ nữ quay lại chửi Thắng, Thanh. Thắng cãi lại: “Tao thấy mày lấy rõ ràng!”. Không muốn chuyện bé xé to, bà Vân khuyên cả 3 bỏ qua. Nhìn họ đi về hướng đường vòng núi Sam, bà coi như mọi chuyện ổn thỏa.

Những vết trượt dài

Lê Thị Tuyết Nga trong phiên tòa

Nào ngờ, cả 3 người cùng đi đến nhà của T.V.S (SN 1974, ngụ phường Núi Sam, bạn trai của Nga) để tiếp tục “đối chất”. Nga hăm dọa: “Nếu ông S. vu khống tao lấy trộm, tao sẽ đâm ổng. Còn nếu tụi bây chọc phá tao, tao sẽ đâm tụi bây”.

Nói là làm, Nga cầm cây dao Thái Lan (lấy trong hộp đựng dao trước nhà S.), còn tay kia cầm cây kéo lấy trong túi đồ của mình, rồi kêu S. ra hỏi chuyện. S. khẳng định: Nga không lấy trộm xe đạp của bà Vân, bản thân anh ta cũng không hề nói với Thắng, Thanh việc đó.

Khuyên can cả 3 xong, anh ta trở về nhà ngủ tiếp. Ai dè, chuyện giữa họ chưa kết thúc. Nga và Thắng bắt đầu cãi cọ, rồi chuyển sang xô xát. Trong lúc giằng co, Thắng bị đâm chết tại chỗ. Nga đuổi theo định đánh Thanh, nhưng Thanh chạy trốn kịp. Khi bình tĩnh lại, Nga đi bộ đến Công an phường Núi Sam đầu thú.

Hôm xét xử Nga, chỉ có Hội đồng xét xử (HĐXX), lực lượng làm nhiệm vụ và cha mẹ của người bị hại, không có bất kỳ người thân quen nào của bị cáo. Trong chiếc áo khoác đen, bóng lưng lặng lẽ, cô độc của Nga càng khiến buổi sáng của ngày cuối năm thêm buồn bã, lạnh buốt.

Chia sẻ với tôi, Nga nén cảm xúc: “Từ ngày tôi bị tạm giam đến giờ, không ai trong gia đình đến thăm hỏi. Con gái tôi đang học lớp 7, phải bỏ ngang, rồi được một người bà con nhận bảo bọc, đưa lên TP. Hồ Chí Minh sinh sống, học nghề. Tôi nhớ con, mà làm sao để được gặp…”.

Cúi gằm mặt, Nga nhìn món đồ lưu niệm nằm lẻ loi trong tay. Nga tự làm, định bụng hôm nay ra tòa sẽ tặng cho người nhà. Nhưng giờ đây, biết gửi cho ai?

Luật sư Hồ Hoàng Phượng - người được chỉ định bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nga - phát biểu trước HĐXX nhưng cũng không thể che giấu thương cảm: “Bị cáo thực hiện hành vi dùng dao gây hậu quả tử vong cho bị hại, gây bất bình trong quần chúng Nhân dân, ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương, xâm hại đến tính mạng người khác nên phải chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, bị cáo là phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh, trình độ học vấn thấp, không có cơ hội và điều kiện nhận thức việc nào đúng, việc nào sai trong cuộc sống, nên mắc nhiều sai lầm. Rất mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, phán quyết mức án nhẹ nhất để bị cáo sớm được trở về làm lại từ đầu”.

12 năm tù là mức án cuối cùng dành cho Nga. Phiên tòa kết thúc, nhưng dư âm chua xót vẫn còn đọng lại trong lòng người tham dự. Sau những vết trượt dài, người phụ nữ ấy còn có thể đứng dậy, sống thật tốt quãng đời còn lại hay không?

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG