Niềm đam mê Cát Lan

13/09/2018 - 07:53

 - Từ tình yêu đối với loài hoa lan, anh Cao Hoài Trí (sinh năm 1980) tạm gác công việc của một kỹ sư xây dựng để thỏa mãn niềm đam mê. Sau 3 năm dày công tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm, đến nay, anh Trí đã có trong tay vườn lan rộng khoảng 2.000m2 với trên 40.000 chậu, chủ yếu là Cattleya (hay còn gọi là Cát lan).

Thỏa niềm đam mê

Về xã An Thạnh Trung (Chợ Mới), men theo con đường đất đá của ấp An Khánh, chúng tôi tìm đến vườn lan của gia đình anh Nguyễn Cao Trí. Giữa 4 bên là đồng ruộng, vườn lan của anh Trí nổi bật với những hoa lan đủ sắc màu đang khoe sắc thắm. Anh Trí cho biết, niềm đam mê chơi lan đến với anh từ khi còn rất nhỏ. Trong đó, anh đặc biệt thích nhất là Cattleya, vì theo anh, đây là loại lan có vẻ đẹp cuốn hút cùng mùi thơm quyến rũ. Cattleya còn được mệnh danh là nữ hoàng của các loài lan.

Cattleya- nữ hoàng của các loại lan

Để thỏa mãn niềm đam mê, anh Trí không ngại khó để đi nhiều nơi tìm kiếm và sưu tầm các giống lan đẹp mang về trồng. “Ngày trước đi mua lan không có tính bằng tiền như bây giờ, tất cả đều được tính bằng vàng. Một chậu đẹp thường có giá vài chỉ vàng trở lên. Vì vậy, mỗi khi thấy chậu lan nào ưng ý, anh em góp vàng lại để mua. Tùy theo số vàng mình góp mà tách thân, chia cho từng người”- anh Trí chia sẻ. Cũng theo anh Trí, trước đây, giá lan Cattleya thường khá đắt nên rất kén người chơi. Dần dần, khi thị trường bắt đầu xuất hiện các loại cấy mô, có nguồn gốc từ: Thái Lan, Đài Loan, Mỹ... giá bắt đầu giảm. Nếu giá giảm, sẽ thu hút rất đông người đam mê. Vì vậy, sau khi lập gia đình, anh quyết định về quê vợ lập nghiệp với mô hình trồng lan.

Vườn lan “khủng” giữa đồng

Sau 3 năm lập nghiệp, từ diện tích 500m2 với vài trăm giò lan, đến nay, anh Cao Hoài Trí đã sở hữu vườn lan với diện tích trên dưới 2.000m2, cùng hơn 40.000 giò lan. Theo tính toán của anh Trí, việc đầu tư sắt thép, lưới… cho vườn lan, chi phí khoảng 500.000 đồng/m2. Nhớ lại khoảng thời gian đầu khi mới xây dựng vườn lan, anh Trí chia sẻ: “Thấy tôi đem vật liệu xây dựng về, người dân ở đây ai cũng xầm xì, bàn tán. Một phần vì chưa ai ở đây trồng lan để bán. Thêm nữa là thời điểm lúc đó, chơi lan được coi là điều xa xỉ, nói gì đến việc lập vườn”.

Gia đình anh Trí đang sở hữu vườn lan với trên 200 dòng Cát Lan

Để chăm sóc vườn lan khủng như hiện nay, ngoài những kinh nghiệm được anh tích lũy từ sách, báo, Internet... cũng như những người có kinh nghiệm đi trước thì việc thu thập, lưu trữ dữ liệu về quá trình chăm sóc là việc làm rất quan trọng, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, khả năng sinh trưởng và ra hoa của lan. Để tích lũy kinh nghiệm, anh Trí ghi chép việc sử dụng thuốc ở từng loại cây, liều lượng, tên thuốc sử dụng... Để cây mạnh khỏe, phát triển nhanh, anh Trí tách riêng 1 khu vực thí nghiệm lượng phân bón để làm đối chứng. Những dữ liệu thu thập được, anh đều lưu giữ trong máy vi tính theo từng nhóm. Khi cần thiết, anh có thể truy xuất dễ dàng. Về thị trường tiêu thụ, anh Trí khai thác triệt để mạng xã hội, nhất là Facebook để giới thiệu các mặt hàng, chủng loại Cát Lan hiện có tại vườn. “Điều quan trọng là phải giữ chữ tín, đặc biệt là phải giao đúng cây đã giới thiệu. Nhờ cách làm như vậy, nhiều lúc, có đơn hàng trị giá hàng chục triệu đồng, khách hàng vẫn tin tưởng giao dịch, dù 2 bên chưa từng biết mặt” - anh Trí chia sẻ.

Anh Trí sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho người đam mê

Sở hữu hàng chục ngàn giò với hơn 200 dòng Cát Lan từ giống nội đến ngoại, nhưng anh Trí vẫn chưa thỏa mãn đam mê. Vì vậy, trong những lúc rảnh rỗi, anh Trí thường tìm tòi, nghiên cứu nhân giống và đưa đi cấy mô từ những cây lan hiện có tại vườn. Tại vườn lan của anh Trí, có 1 khu vực mà anh cho là: “Đẹp người, đẹp nết”, được anh sưu tầm trong nhiều năm qua. Đặc biệt, trong đó có nhiều cây có giá trị lên đến hàng triệu đồng/giả hành (thân). Hiện nay, ngoài kinh doanh hoa lan, anh Cao Hoài Trí còn tìm tòi những giống lan quý, đẹp và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm với những người có cùng niềm đam mê.

“Trước đây, khi nhắc đến hoa lan, người ta thường nghĩ đến cây giống Thái Lan, Đài Loan, ít ai biết Việt Nam cũng có nhiều lan đẹp, không thua gì các giống Cát Lan ngoại nhập. Hiện nay, tôi đang thí nghiệm nhân giống và đưa đi cấy mô từ những cây lan ưng ý đang có tại vườn. Mong muốn của tôi là lai tạo được dòng lan đẹp, đặc trưng của Việt Nam” - anh Trí bộc bạch.


ĐỨC TOÀN