Níu giữ nghề xưa: Tranh kiếng Chợ Mới trở lại

10/03/2018 - 14:35

Xuất hiện trên thị trường từ những năm 1950, dòng tranh kiếng Chợ Mới chủ yếu được sản xuất ở khu vực chợ Bà Vệ, xã Long Điền B (H.Chợ Mới, An Giang).

A A

Một số loại tranh kiếng hiện đang được ưa chuộng ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG

Dù ra đời muộn so với tranh kiếng vùng Lái Thiêu, Chợ Lớn, nhưng tranh kiếng Chợ Mới nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần các tỉnh miền Tây nhờ đội ngũ thương lái bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm.

Đề tài phong phú, đa dạng

Ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ cơ sở sản xuất tranh kiếng ở ấp Long Tân, xã Long Điền B, cho biết khoảng từ năm 1995 - 1999, hai bên đường vào xóm ông, người ta phơi đầy những bức tranh kiếng vừa mới hoàn thành. Đây là giai đoạn nghề làm tranh kiếng phát triển nhất, với khoảng hơn 1.000 hộ.

Bấy giờ tranh kiếng Chợ Mới chiếm từ 90 - 95% thị phần ở các tỉnh ĐBSCL. Nhưng từ năm 2000 trở về sau, do nhiều nguyên nhân, khách hàng giảm sút, nhiều người phải bỏ nghề. Đến nay, xã Long Điền B chỉ còn 3 cơ sở sản xuất và vài hộ gia đình làm thủ công.

Nhà ông Hòa đã qua hai đời gắn bó với nghề tranh kiếng. “Khoảng năm 1950, có một số người học nghề vẽ tranh kiếng ở vùng Lái Thiêu, Cần Thơ rồi về chỉ dạy cho người trong xóm. Xã này hồi đó ông Hai Luông là người làm tranh kiếng đầu tiên. Còn cha tôi thì chỉ làm nghề mua bán tranh. Bấy giờ ai có ghe, có vốn thì mua kiếng, mua vật liệu về thuê thợ làm rồi chở đi bán. Cha tôi sắm chiếc ghe chở tranh đi bán dạo, bán xong về đặt hàng tiếp. Ngoài ra còn có những “lái tranh” chuyên nghiệp mua số lượng lớn rồi vận chuyển đến giao cho các vựa tranh ở các tỉnh để bán lẻ”, ông Hòa chia sẻ.

Níu giữ nghề xưa: Tranh kiếng Chợ Mới trở lại - ảnh 3

Trước năm 1975, đa số gia đình ở vùng ĐBSCL thường chuộng tranh thờ tổ tiên vẽ trên kiếng. Một bộ tranh thờ gồm có 4 bức. Bức hoành vẽ 3 chữ, ghi họ của gia chủ, ví dụ như “Trần phủ đường”, hoặc ghi những lời ca tụng tổ tiên như “Đức lưu phương”... Tấm hoành khá rộng được chia làm 3 ô, mỗi ô viết một chữ, xung quanh khuôn trang trí dây lá, hồi văn...

Phần chính của bộ tranh thờ là tấm tranh và đôi liễn, chia làm 3 đoạn. Đoạn trên và đoạn dưới gọi là “thượng thổ” và “hạ thổ” vẽ các cuốn thư nằm giữa hoa lá hoặc đĩa quả tử hay đám sen có vài con vịt đang bơi. Ở giữa tấm tranh thường vẽ chữ Phước, Lộc, Thọ trên nền đỏ, xung quanh viền khung nhiều đoạn. Mỗi đoạn trang trí hình dây lá hoặc hồi văn, thỉnh thoảng có thêm hình con bướm hoặc con dơi ngậm cuộn chỉ…

Ngoài ra còn có dòng tranh thờ thần Phật, được các nhà giàu ưa chuộng là tranh treo trên xà ngang nhà 3 gian, có nội dung kể về sự tích cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bên cạnh còn có tranh treo cửa buồng. Một bộ tranh cửa buồng có 2 bức treo hai bên, vẽ đề tài “loan phượng hòa minh”, tượng trưng sự hòa hợp vợ chồng hay đề tài hoa mẫu đơn và chim phượng, tượng trưng sự giàu sang. Hoặc đề tài bụi sen và con vịt, tượng trưng học hành tiến bộ.

Về sau, tranh cửa buồng còn bổ sung thêm các đề tài tranh phong cảnh, vẽ cảnh thôn quê với ngôi nhà gạch, có cây cầu bắc ngang, cho thấy sự giàu sang, vinh hoa phú quý. Tranh kiếng tuồng tích cũng là loại tranh treo cửa buồng, được xem là một “phát minh” của dòng tranh Chợ Mới. Đề tài loại tranh này lấy từ truyện dân gian phổ biến như Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ…

Dòng tranh xưa trở lại

Cơ sở tranh kiếng của ông Hòa là tiệm lớn, sản xuất hàng trăm mẫu với nhiều kích cỡ khác nhau. Ngoài tranh thờ Cửu huyền thất tổ, tranh Phật, tranh thần độ mạng, còn có các loại tranh trang trí vẽ theo phong cách mới, đề tài rất phong phú, như tấn tài tấn lộc, ơn nghĩa sinh thành, mã đáo thành công, tứ linh và các tranh phong cảnh bình dân…

Điển tích xưa thì có Lã Vọng câu cá, Thoại Khanh - Châu Tuấn. Nhưng bán chạy nhất là dòng tranh tấm mới, hai bên vẽ rồng, phụng nhũ kim tuyến, phù hợp với nhà kiểu mới, hiện đại hơn. Còn nhà kiểu xưa thì có mẫu tranh thờ Phước Lộc Thọ.

Đối với dòng tranh trang trí, ông Hòa mạnh dạn dùng chữ quốc ngữ theo mẫu thư pháp. Nhưng đối với tranh thờ ông vẫn sử dụng chữ Nho có chú thích chữ quốc ngữ, như Cửu Thiên huyền nữ, Cửu huyền thất tổ, Đức lưu phương, Phước Lộc Thọ. Theo ông Hòa thì tranh cửa buồng vẽ theo đề tài xưa hiện vẫn còn được ưa chuộng. “Những năm từ 1990 - 1995, các loại đề tài như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ, Nàng Út ống tre... còn nhiều khách hàng đặt làm.

Giai đoạn sau đó bị chùng xuống, tưởng như mất hẳn. Nhưng gần đây người thưởng thức tranh có sự hoài cổ. Đặc biệt mới đây, loại tranh đề tài tích truyện dân gian khách hàng đặt làm không kịp. Số lượng sản xuất gấp 5 - 6 lần năm ngoái, với hàng ngàn tấm. Điều đáng mừng là có nhiều thanh niên từ Thốt Nốt, Cần Thơ… tới đây tham quan và đặt hàng mua các loại tranh xưa này”, ông Hòa cho biết.

Về hình thức, loại tranh vẽ theo đề tài xưa hiện cơ sở của ông Hòa cách tân đôi chút, sinh động hơn về màu sắc, tinh tế hơn về đường nét, nhưng nội dung vẫn giữ. Khuôn khổ cũng phong phú hơn. Người mua có thể dùng để treo tường, trang trí phòng khách hay bất cứ nơi nào trong nhà, không nhất thiết phải làm theo kích cỡ của tranh treo cửa buồng như xưa.

Níu giữ nghề xưa: Tranh kiếng Chợ Mới trở lại - ảnh 5

Cũng theo ông Hòa thì ngày xưa tranh kiếng làm thủ công phải vẽ sơn tô từng nét rất khó làm. Phải vẽ ngược phía sau mặt kiếng, những chi tiết nào đáng lẽ vẽ sau thì phải vẽ trước, nghệ nhân phải quen tay và qua các công đoạn phác thảo mẫu, tô màu, tô bóng...

Còn hiện nay đa số được thiết kế trên máy vi tính với kỹ thuật tách màu in lụa, mỗi ngày có thể cho ra hàng chục bức tranh theo mẫu, nhưng độ tinh xảo cũng không kém, giá thành lại rẻ nên đáp ứng được thị trường. Còn kỹ thuật vẽ thủ công hiện thời chỉ để phục chế tranh cũ theo mẫu xưa, loại tranh không phổ biến về nội dung cũng như kích cỡ như kiểu tranh in đại trà hiện tại. Dạng khách hàng này không đông nhưng nhờ đó tính chất truyền thống thủ công của nghề làm tranh kiếng không bị mai một.

“Thỉnh thoảng cũng có người tới đặt làm các loại tranh cao cấp như tranh kiếng cẩn xà cừ, có giá từ 4 - 5 triệu đồng. Hiện tôi đang làm bộ tranh cẩn xà cừ cho một khách hàng ở Tam Nông (Đồng Tháp), đồng thời phục chế một bức tranh kiếng xưa cho ông khách ở An Giang”, ông Hòa chia sẻ.

Theo HOÀNG PHƯƠNG - NGỌC PHAN (Thanh Niên)