Nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản

15/08/2019 - 07:44

 - Ngay sau khi tổ chức thành công lễ thả cá về sông Vàm Nao, Chi cục Thủy sản An Giang đã tích cực phối hợp các lực lượng chức năng và các địa phương ở khu vực thả cá tăng cường tuần tra, bảo vệ số cá giống vừa thả. Qua đó, ý thức người dân được nâng lên, giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên vùng đầu nguồn ĐBSCL.

Tái tạo các loài thủy sản quý

Nếu trước đây, những loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá hô, vồ đém, cá chày, mè hôi, cá cóc, cá ét… rất hiếm có ngoài môi trường tự nhiên thì hiện nay, người dân dễ dàng khai thác được những loại cá này. “Khoảng hơn tháng nay, người dân bủa lưới cá mè vinh trong các tuyến kênh nội đồng nhưng dính được cá cóc nhiều lắm, có người bắt được cả chục con, bình quân 1,5kg/con. Do cá nhiều không tiêu thụ tại chỗ hết nên chúng tôi gom lại cân cho bạn hàng cá ở khu vực Vĩnh Hanh. Cá sống bán được 80.000 - 100.000 đồng/kg, cá chết (ướp nước đá) 50.000 - 60.000 đồng/kg. Vùng này trước đây rất ít có cá cóc nhưng bây giờ thì phổ biến” - ông Trần Văn Nhơn, hành nghề giăng lưới ở xã Vĩnh Bình (Châu Thành), chia sẻ.

Tương tự, với cá hô, loài cá tưởng như tuyệt chủng trước đây thì nay đã nhân giống, nuôi được trong điều kiện tự nhiên. Trong hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao những năm gần đây, cá hô là một trong những loài cá được thả về sông khá nhiều. Đây được xem là nguyên nhân chính giúp loài cá quý hiếm này trở nên có mặt phổ biến trên sông.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, từ năm 2012 đến nay, hoạt động thả cá được sở phối hợp các địa phương duy trì thường xuyên, tạo thành phong trào lan tỏa hàng năm. “Hoạt động này được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội, tín đồ tôn giáo. Qua 7 năm thực hiện, đã thả trên 110 tấn cá các loại, như: cá hô, basa, vồ đém, cá chày, mè hôi, cá cóc, cá ét, cá chép, mè vinh, cá tra, điêu hồng… với số tiền quy đổi tương tương 4,6 tỷ đồng, do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ” - ông Lâm thông tin.

Nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Anh Dương Văn Lâm giăng lưới cá chạch phía trên sông Vàm Nao

Tăng cường bảo vệ

Ngày 10-8 vừa qua, việc tổ chức lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống sông Vàm Nao (đoạn giao với sông Hậu, thuộc xã Bình Thủy, Châu Phú) được xem là thành công ngoài mong đợi khi huy động được nguồn cá giống đóng góp với giá trị quy đổi hơn 1 tỷ đồng, cao hơn hẳn các năm trước đây. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Phùng Hoàng Tuấn cho biết, nhờ sự nhiệt tình đóng góp đó, tại buổi lễ đã có hơn 14,7 tấn cá loại lớn và 193.000 cá giống loại nhỏ đã được thả về với tự nhiên. “Sau buổi lễ thả cá chung, người dân, tín đồ tôn giáo ở khu vực sông Vàm Nao và dọc theo sông Hậu tiếp tục tự chèo ghe ra sông thả cá về tự nhiên. Chúng tôi đang ra sức bảo vệ để cá giống không bị đánh bắt lại, có điều kiện sinh trưởng, phát triển tự nhiên. Đây cũng là trách nhiệm phải làm để xứng đáng với nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, tín đồ tôn giáo đã đóng góp thả cá” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đó, từ trước, trong và sau lễ thả cá, lãnh đạo Chi cục Thủy sản đã cử lực lượng túc trực tại Trạm Cảnh sát đường thủy Vàm Nao (xã Tân Trung, Phú Tân), phối hợp các chiến sĩ tại trạm thường xuyên rảo vòng quanh khu vực bến phà Năng Gù (phía trên khu vực thả cá), đoạn sông Vàm Nao và đoạn sông Hậu (gần khu vực thả cá). “Khi phát hiện có ghe, xuồng đang giăng lưới, đánh bắt cá, chúng tôi kiểm tra mắt lưới, ngư cụ, đồng thời nhắc nhở bà con không khai thác gần khu vực thả cá. Qua tuần tra mấy ngày nay, hầu hết người dân đều chấp hành tốt quy định” - ông Bùi Văn Cóc (thanh tra Chi cục Thủy sản) thông tin. Cùng với lực lượng của tỉnh, các huyện: Châu Phú, Chợ Mới và Phú Tân cũng tăng cường lực lượng kiểm tra, nhắc nhở người dân.

Tháp tùng cùng Chi cục Thủy sản An Giang và Trạm Cảnh sát đường thủy Vàm Nao đi kiểm tra quanh khu vực thả cá, phóng viên Báo An Giang ghi nhận, ý thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản nâng lên rất nhiều. “Vợ chồng tôi chuyên khai thác cá sủ loại lớn, sử dụng mắt lưới 1,3 tấc (130mm, rộng hơn rất nhiều so với quy định cho phép là 20mm). Biết được thông tin mới thả cá nên chúng tôi không giăng lưới khu vực ngã 3 sông Vàm Nao, mà chỉ bủa lưới phía trên con nước, cách nơi thả cá khá xa” - ông Mai Hoàng Tư (59 tuổi, ngụ xã Phú Bình, Phú Tân) nhấn mạnh. Tương tự, anh Dương Văn Lâm (ngụ ấp Vàm Nao, xã Tân Trung) sử dụng loại lưới 40mm giăng cá chạch, cũng bơi xuồng lên phía trên sông Vàm Nao để thả lưới. “Từ sau lễ thả cá, tôi hạn chế giăng lưới, chỉ thỉnh thoảng lên phía trên con nước kiếm mớ cá chạch về ăn thôi, không ảnh hưởng đến cá giống vừa thả” - anh Lâm chia sẻ.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN