Nỗ lực của ngành nông nghiệp

02/02/2018 - 01:15

 - Vượt qua những khó khăn, thách thức do tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, năm 2017 ngành nông nghiệp An Giang đã thu được nhiều kết quả khả quan. Điều quan trọng nhất là năng suất và giá cả các mặt hàng lúa, rau màu, cá tra được duy trì ở mức khá, đời sống người dân được nâng lên.

Chú trọng giá trị, chất lượng

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Anh Thư cho biết, năm 2017, do lũ về sớm và lớn hơn những năm trước nên tỉnh chủ trương giảm mạnh diện tích xuống giống vụ thu đông, vừa xả lũ đón phù sa, vừa điều chỉnh lịch thời vụ. Đối với vụ đông xuân và hè thu, diện tích trồng lúa giảm xuống để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.

So năm 2016, diện tích gieo trồng lúa năm 2017 giảm đến 27.907ha (đạt 641.104ha). Bù lại, năng suất bình quân cả năm đạt 6,07 tấn/ha, tăng 0,13 tấn/ha. Toàn ngành đã nỗ lực hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại, nhất là ứng phó với dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Nhờ vậy, tổng diện tích nhiễm dịch hại trên lúa năm 2017 là 303.124ha, giảm 165.308ha so năm 2016, trong đó diện tích nhiễm nặng chỉ 2.661ha, còn lại nhiễm nhẹ (287.408ha) và trung bình (13.055ha). Năm 2017, diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng” gần 88,9% diện tích xuống giống, diện tích áp dụng “1 phải, 5 giảm” đạt 46,49%. Ông Trần Anh Thư cho rằng, mặc dù khó khăn về sản xuất nhưng bù lại giá lúa luôn ở mức cao. Suốt năm 2017, giá bán lúa tươi dao động từ 4.500-5.800 đồng/kg, tăng 450-500 đồng/kg so năm 2016, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân. Thắng lợi này thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2017 đạt 209 triệu USD, tăng 33,4 triệu USD so cùng kỳ.

Lũ lớn khiến diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng thủy sản khai thác đạt 22.478 tấn, tăng 1.266 tấn so năm 2016. Trong khi đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch cả năm đạt 374.300 tấn, tăng 25.700 tấn. Để tăng cường quản lý nuôi cá tra theo Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ, tiến tới truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, năm 2017, các ngành chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở của 17 DN và 100 hộ dân, tổng diện tích 778ha, tiến hành cấp 4 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Đến nay, diện tích nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn ASC là 94,95ha, tiêu chuẩn VietGAP là 363,93ha (DN 296,8ha, hộ nuôi 67,13 ha), diện tích nuôi tôm càng xanh được chứng nhận VietGAP là 20ha. Diện tích này tuy còn khiêm tốn nhưng bước đầu cho thấy, ngày càng nhiều DN, hộ nuôi chú trọng đến tiêu chuẩn chất lượng.

Vực dậy thế mạnh thủy sản

Đến nay, tỉnh đã triển khai chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp gồm 4 bên (Công ty Agifish, Công ty Việt Thắng, Trung tâm Giống thủy sản An Giang và Chi hội Giống AFA). Trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 2 chi hội sản xuất giống cá tra, gồm: Chi hội AFA với 22 hội viên tham gia, tổng diện tích ương nuôi giống 69,12ha, có khả năng cung cấp 104 triệu con cá tra giống/năm; Chi hội Sản xuất cá giống huyện Châu Phú có 16 hội viên, tổng diện tích tham gia 31,8ha. Cả 2 chi hội đều ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm con giống với các DN. Sau khi được Bộ NN&PTNT thẩm định, UBND tỉnh An Giang đã trình “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL” để Thủ tướng Chính phủ xem xét, dự kiến sẽ phê duyệt vào quý I-2018. Đây là cơ sở quan trọng để An Giang thúc đẩy sản xuất giống cá tra, trở thành trung tâm cung ứng giống của vùng ĐBSCL.

Ông Trần Anh Thư cho biết, ngành NN đã tổ chức sản xuất cá tra theo hình thức liên kết chuỗi giá trị, sử dụng con giống cá tra 3 cấp chất lượng, áp dụng giải pháp kỹ thuật tổng hợp để giảm giá thành sản xuất. Theo kết quả điều tra năm 2017, giá thành sản xuất cá tra bình quân là 19.829 đồng/kg. Với giá bán 28.000 đồng/kg, người nuôi đạt tỷ suất lợi nhuận trên 40%. Người nuôi phấn khởi vì đạt hiệu quả cao, An Giang đóng góp tích cực vào thành tích xuất khẩu thủy sản ấn tượng của cả nước khi kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 221 triệu USD (tăng 15 triệu USD so năm 2016), giá xuất khẩu bình quân gần 2.224 USD/tấn, tăng 214 USD/tấn.

Đối với cây ăn trái, tỉnh thực hiện chủ trương phát triển du lịch sinh thái và Đề án tái cơ cấu ngành NN nên diện tích cây ăn trái tăng nhanh. Đến nay, đạt 13.000ha, tăng 1.800ha so năm 2016, chủ yếu là các loại xoài, chuối, bưởi, cam, quýt… Năng suất của hầu hết các loại cây ăn trái cũng đều tăng nên sản lượng thu hoạch cả năm đạt gần 195.000 tấn, tăng hơn 27.000 tấn (16,34%) so năm 2016…

Năm 2017, giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 173 triệu đồng/ha, tăng 10 triệu đồng/ha so năm 2016; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt gần 83%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì đạt 22,4%; có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới (nâng lên 33 xã đạt chuẩn, vượt 2 xã so kế hoạch).

Nỗ lực của ngành nông nghiệp

Giá trị sản xuất tăng trên cùng đơn vị diện tích

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN