Nỗ lực kiểm soát ô nhiễm môi trường

27/06/2018 - 08:54

Là một tỉnh mới nên phát triển kinh tế - xã hội ở Hậu Giang còn nhiều khó khăn, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) còn hạn chế. Tuy nhiên với sự tích cực, chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm đã góp phần cải thiện chất lượng môi trường.

A A

Chất lượng môi trường nước mặt luôn diễn biến phức tạp.

Áp lực gia tăng ô nhiễm

Theo Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh, qua công tác quan trắc nguồn nước mặt ở một số kênh, rạch cho thấy chất lượng nguồn nước mặt vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, tại các điểm thường xuyên tiếp cận với lượng nước thải lớn từ các khu đô thị, chợ, nhà máy, xí nghiệp thì chất lượng nước tại nơi này đã bị ô nhiễm nặng. Không chỉ có nước mặt, theo kết quả phân tích thì không khí trên địa bàn trung tâm các huyện, thị xã, thành phố các năm gần đây cho thấy các thông số ô nhiễm có xu hướng gia tăng về nồng độ ô nhiễm. Những nơi có thể kể đến là gần khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, khu dân cư…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, khó khăn hiện nay là cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng theo quy định. Trong tổng số 10 khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thì mới chỉ có 3 khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Số khu, cụm công nghiệp còn lại đều chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung, chính vì điều này đã gây khó khăn trong công tác quản lý.

Ông Lý Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh, cho biết: Chất lượng môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều nơi bị ô nhiễm nặng như các đoạn đi ngang quốc lộ, khu dân cư, khu công nghiệp. Đặc biệt, chất lượng nước mặt đang có diễn biến phức tạp, nhiều nơi bị ô nhiễm nặng như các đoạn chảy qua khu vực nội thành, nội thị, khu công nghiệp, làng nghề… Do đó, trong thời gian tới, giải pháp đưa ra là tập trung xử lý triệt để, di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư, chuyển vào các khu công nghiệp. Đồng thời, yêu cầu tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải tập trung, giám sát hoạt động xả thải theo quy định, đặc biệt là các nguồn thải lớn.

Chủ động kiểm soát

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động BVMT, song tỉnh luôn thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường được ngành tài nguyên và môi trường tỉnh thực hiện chủ động và mở rộng cả về phạm vi, quy mô, không để phát sinh các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.

Để phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành điều tra, đánh giá, thống kê các nguồn thải. Năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục điều tra, đánh giá, thống kê các nguồn thải và đánh giá tình hình thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận đối với 33 dự án, cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã điều tra, đánh giá, thống kê được 24 dự án, cơ sở. Trong quá trình thực hiện còn thuê Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ thu mẫu nước thải, khí thải, môi trường không khí xung quanh. Qua đó, đã thu được 21 mẫu nước thải, 9 mẫu khí thải, 16 mẫu không khí xung quanh, 2 mẫu không khí trong khu vực sản xuất.

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, cho biết: Thời gian qua, công tác BVMT luôn được ngành quan tâm, đẩy mạnh, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở có dấu hiệu gây ô nhiễm, không để phát sinh các “điểm nóng” về môi trường. Do đó, ngành luôn phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại chăn nuôi có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư. Qua kiểm soát năm nay, nhìn chung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã có ý thức hơn trong công tác BVMT nên thủ tục thực hiện khá tốt. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có phát sinh nước thải, khí thải, sau khi có đầy đủ kết quả phân tích mẫu, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đánh giá và báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo trong thời gian tới.

Không chỉ điều tra, đánh giá các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà hiện nay, tỉnh còn đang thực hiện dự án xây dựng hệ thống quan trắc tự động liên tục và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận dữ liệu tại các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp. Theo đó, sẽ tiến hành lắp 3 trạm quan trắc nước mặt và 1 trạm quan trắc không khí. Hiện dự án đã đạt khoảng 80% về công tác lắp đặt thiết bị.

Ông Lý Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh, cho hay: Hiện đối với các doanh nghiệp có nguồn thải lớn, trung tâm đã tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động đối với 3 đơn vị. Qua công tác này sẽ quản lý được chất lượng nước thải, khí khải đầu ra của các doanh nghiệp. Riêng, đối với dự án xây dựng hệ thống quan trắc tự động liên tục, sau khi được hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, theo dõi chặt chẽ chất lượng nguồn nước thải, khí thải tại các trạm quan trắc tự động ở khu vực các cơ sở, khu công nghiệp đang hoạt động. 

Theo THANH THÚY (Báo Hậu Giang)