Nỗ lực phòng, chống mù lòa trong cộng đồng

29/05/2018 - 06:46

 - “Sau thời gian triển khai chương trình phòng, chống mù lòa (PCML) tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2017, số người mắc những bệnh lý về mắt dẫn đến mù ngày càng giảm. Với dân số ước tính 2,16 triệu người, An Giang hiện có 9.300 người trên 50 tuổi mù cả 2 mắt và 10.700 người mù ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ người mù trên dân số là 4,95 người/1.000 dân, số người dân tiếp cận với những dịch vụ y tế, chăm sóc mắt ngày càng tăng” - Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) PCML tỉnh đánh giá.

BCĐ PCML tỉnh được thành lập vào năm 2012 và được giao nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu kiểm soát các bệnh gây mù có thể phòng tránh và chữa được như: đục thủy tinh thể, tật khúc xạ, bệnh glocom, bệnh võng mạc tiểu đường; đào tạo nguồn nhân lực thực hiện chương trình cộng đồng, bao gồm: công tác khám sàng lọc, tuyên truyền giáo dục sức khỏe chăm sóc mắt, phẫu thuật cho người nghèo, chương trình mắt học đường, chương trình chăm sóc mắt ban đầu…

Nếu năm 2013, chỉ có 38.000 lượt người đến khám tại Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt thì đến năm 2017 đã có 51.442 lượt người đến khám. Số lượng bệnh nhân khám chuyên khoa mắt tại các bệnh viện đều tăng, đặc biệt là số lượng bệnh ở tuyến huyện tăng gấp 2 lần chứng tỏ trình độ chuyên môn ở tuyến huyện ngày càng được nâng cao, có thể khám và điều trị các bệnh thông thường về mắt, do vậy bệnh nhân tiết kiệm thời gian, chi phí hơn so với đi khám tuyến tỉnh.

Bên cạnh đó, một số chương trình điều trị mắt đòi hỏi kỹ thuật cao được triển khai thực hiện rất tốt. Số cas phẫu thuật thủy tinh thể mỗi năm tăng lên đáng kể (5.000 cas/năm). Với sự phát triển kỹ thuật của ngành nhãn khoa, hầu hết bệnh nhân đã được phẫu thuật bằng phương pháp phaco đặt kính cứng hoặc kính mềm, đạt kết quả tốt, thị lực phục hồi nhanh, ít biến chứng.

Chương trình chăm sóc tật khúc xạ được triển khai tốt với việc khám sàng lọc lồng ghép với khám sức khỏe hàng năm ở các trường học. Các chương trình tuyên truyền phòng, chống glaucoma trong cộng đồng, khám sàng lọc và điều trị sớm bệnh võng mạc do đái tháo đường được nhân rộng.

Nỗ lực phòng, chống mù lòa trong cộng đồng

Khen thưởng tập thể có thành tích trong chương trình phòng, chống mù lòa giai đoạn 2013-2017

Bên cạnh những kết quả tích cực, BCĐ PCML tỉnh nhìn nhận những vấn đề khó khăn chính là ở các đơn vị tuyến huyện còn thiếu nhân sự, trang thiết bị chăm sóc mắt, thiếu sự phối hợp giữa bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng trong việc đẩy mạnh công tác phòng bệnh về mắt trong cộng đồng.

Ngoài ra, người dân còn thói quen đi khám vượt tuyến, thiếu hiểu biết về bệnh và cách phòng, điều trị bệnh về mắt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Trưởng BCĐ PCML tỉnh cho biết: “Số người mù trong tỉnh còn khá cao, nguyên nhân chính là đục thủy tinh thể dẫn đến mù chiếm 65%. Trong khi đó, người dân vẫn chưa nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ mắt, nhận thức mức độ nguy hiểm của các căn bệnh dẫn đến mù lòa để sớm điều trị.

Do vậy, trước hết cần kiện toàn cơ cấu tổ chức của BCĐ PCML, bồi dưỡng nhân sự, đầu tư các trang thiết bị hiện đại ở bệnh viện chuyên khoa mắt và tuyến huyện nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, phấn đấu loại trừ các nguyên nhân chính gây mù cho người dân như khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới về mục tiêu thị giác năm 2020.

BCĐ PCML phấn đấu đến năm 2030, giảm tỷ lệ mù xuống dưới 4 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù ở người từ 50 tuổi trở xuống dưới 12 người/1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật thủy tinh thể lên 3,5 người/1.000 dân, trong đó tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù lên trên 95%; tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh về mắt đạt trên 75%; tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ trên 95%”.

Nỗ lực phòng, chống mù lòa trong cộng đồng

Người dân ngày càng nâng cao ý thức trong việc đi khám và chữa bệnh về mắt.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG