Nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp

27/09/2018 - 09:01

 - Việc tái cơ cấu (TCC) giúp tăng giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất (SX), tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để tạo bứt phá cho nông nghiệp, cần những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn.

Tăng giá trị trên nền đất lúa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang cho biết, năm 2013, thời điểm chưa ban hành Đề án TCC ngành NN, tổng diện tích SX lúa trên địa bàn tỉnh đạt 641.340ha. Đến năm 2017, tổng diện tích SX đạt 641.104ha. Về cơ bản, diện tích SX lúa ổn định nhưng tỉnh đã tận dụng mở mới đê bao để tăng diện tích cây trồng có thế mạnh, đặc biệt là cây ăn trái. Nếu năm 2013, diện tích cây ăn trái chỉ có 8.407ha thì đến quý I-2018, diện tích đạt gần 13.587ha, năng suất và sản lượng đều tăng.

Đối với SX lúa, tỉnh chuyển hướng sang các giống chất lượng cao (CLC), liên kết SX, phát triển mạnh các tổ nhân giống cộng đồng. Tại vùng chuyên canh nếp Phú Tân, đã xây dựng được mô hình “Cánh đồng lớn” (CĐL) ở vùng Tây sườn Phú Lâm (959ha, định hướng đến năm 2030 đạt 2.494ha) và vùng Đông sườn Phú An (1.595ha). Tại “vựa lúa” Thoại Sơn, đã xác lập được vùng trồng lúa CLC theo mô hình CĐL với diện tích 888,9ha (định hướng 4.260ha đến năm 2020). Ở huyện Châu Phú, lũy kế diện tích SX lúa Jasmine theo tiêu chuẩn GlobalGAP từ năm 2013 đến nay đạt 24.759,8ha; vùng SX lúa CLC, lúa thơm đặc sản tại huyện Châu Thành từ năm 2012 đến nay đạt lũy kế 36.268,72ha. Tại huyện Tri Tôn, lũy kế SX lúa CLC đạt 27.131,9ha, 16.701ha lúa Nhật, hơn 500ha lúa Nàng Nhen, gần 100ha lúa mùa nổi… Nhiều doanh nghiệp (DN) đã tích cực tham gia CĐL như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Vinacam, Công ty Trịnh Văn Phú, Xí nghiệp Lương thực Tri Tôn, Công ty Tấn Vương, Công ty Lương thực Miền Bắc…

Đối với rau màu, đã cơ bản hình thành được các vùng chuyên canh, SX theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhà màng, SX rau an toàn. So năm 2012, giá trị SX (GO) rau màu tăng 419 tỷ đồng, giá trị tăng thêm (VA) tăng 210 tỷ đồng. Hiện có nhiều DN tiêu biểu thực hiện liên kết - tiêu thụ rau màu theo hướng truy nguyên nguồn gốc.

Cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn

Có thể nói, nỗ lực thực hiện TCC ngành NN đã góp phần đáng kể tăng giá trị SX, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với yêu cầu đề ra. Điển hình như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả, mới đạt 50-60% kế hoạch. Đối với chăn nuôi, tín hiệu mừng là sản lượng tăng, chất lượng giống cải thiện dù tổng đàn không tăng nhiều, tỉnh đã thu hút được 8 DN đầu tư trang trại chăn nuôi (năm 2013 chỉ có 1 DN) nhưng nhìn chung, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm. Đối với thủy sản, tổng diện tích thu hoạch năm 2017 đạt 2.742ha, sản lượng 379.000 tấn. So năm 2012, diện tích tăng 606ha, sản lượng tăng 81.000 tấn, GO tăng 96 tỷ đồng, VA tăng 23 tỷ đồng. Theo tính toán, năm 2017, cá tra đạt năng suất 290 tấn/ha (giá bán 26.000-27.500 đồng/kg), tôm càng xanh 0,9 tấn/ha (giá bán 180.000-185.000 đồng/kg), cá điêu hồng 182 tấn/ha (giá bán 27.000-30.000 đồng/kg). Dù đạt giá trị cao nhưng diện tích nuôi cá tra, cá điêu hồng tăng chưa nhiều, trong khi diện tích nuôi tôm càng xanh sụt giảm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh, nhằm đẩy mạnh thực hiện TCC ngành NN, thời gian tới, An Giang sẽ tập trung vào 5 giải pháp chủ yếu, gồm: quy hoạch gắn với nhu cầu thị trường; khoa học và công nghệ; tổ chức SX; khuyến khích đầu tư vào NN, nông thôn; tuyên truyền - quảng bá. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, bên cạnh nỗ lực của An Giang, cần đẩy mạnh liên kết vùng trong thực hiện TCC. Trong đó, cần xem xét quy hoạch lại vùng ĐBSCL theo từng lợi thế tự nhiên để SX theo từng loại ngành hàng hợp lý, tránh SX trùng lắp cùng sản phẩm, xảy ra cạnh tranh nội bộ khu vực. Đồng thời, cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL theo Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16-4-2009, của Thủ tướng Chính phủ (gồm An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, TP. Cần Thơ). Đối với Bộ NN&PTNT, cần tập trung xây dựng thương hiệu lúa - gạo theo hướng định vị sản phẩm và bộ giống lúa, quy trình kỹ thuật chuẩn để giữ sản phẩm gạo theo phân khúc thị trường, hình thành các chuỗi giá trị để xây dựng thương hiệu; thống nhất với VFA (Hiệp hội Lương thực Việt Nam), địa phương, DN và các bên tham gia đề án TCC lúa, gạo và xây dựng thương hiệu gạo để rà soát, quy hoạch lại vùng nguyên liệu cho nhóm sản phẩm đã định vị. Đối với Bộ Tài chính, cần rà soát, miễn thuế giá trị gia tăng đối với DNSX gạo phục vụ thị trường trong nước (hiện tính thuế 5%) nhằm khuyến khích DN xây dựng thương hiệu, tạo lòng tin đối với gạo Việt…

Qua 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành NN, giá trị SX (GO) của ngành tăng hơn 7.355 tỷ đồng, giá trị gia tăng (VA) tăng 2.040 tỷ đồng. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người nông thôn đạt 32,58 triệu đồng, năm 2017 đạt 34,33 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN