Nỗ lực tăng tốc nông nghiệp

22/11/2018 - 07:00

 - Năm 2019, ngành nông nghiệp An Giang đặt mục tiêu đạt giá trị tăng thêm (giá so sánh 2010) 2,75%, có tối thiểu 57/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, giá trị sản xuất đạt 183 triệu đồng/ha... Đây là quyết tâm lớn, đòi hỏi nhiều nỗ lực để đưa ngành nông nghiệp tăng tốc.

Vẫn còn khó khăn, tồn tại

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, với kết quả đạt được đến nay, dự báo sản xuất khu vực I (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) cả năm 2018 về giá trị tăng thêm (VA) đạt 18.960 tỷ đồng, tăng 2,04% (tương đương 379 tỷ đồng) so năm 2017. So với kịch bản tăng trưởng (từ 2-2,25%) thì VA năm 2018 đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu bình quân giai đoạn 2016-2020 (tăng trưởng 2,71%/năm).

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, hai mặt hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh là lúa, gạo và cá tra dù đạt nhiều kết quả tốt nhưng mức độ phục hồi vẫn còn chậm. Đối với tổ chức lại sản xuất, tỉnh đã nỗ lực thực hiện theo hướng sản xuất hàng hóa, các hình thức hợp tác, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng được đổi mới. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách và nguồn lực của các bên tham gia còn hạn chế. Trong khi đó, việc chuyển giao khoa học - công nghệ còn chậm, chưa đột phá, chưa đáp ứng nhu cầu tăng nhanh về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vẫn đang ở bước sơ khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm với các mô hình quy mô nhỏ và vừa, chưa tạo sự khác biệt trong sản xuất nông nghiệp của An Giang so với các tỉnh khác. Kéo theo đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa có những chuyển biến mạnh mẽ và đột phá, đổi mới then chốt mang tính chất quyết định...

Dù còn những khó khăn nhưng có thể nói, nông nghiệp An Giang năm 2018 đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm 2019, nhất là khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được thông qua. Hiệp định này là cơ hội mở rộng thị trường nông sản trên thế giới, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.

Nỗ lực phấn đấu

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2019 và những năm tiếp theo, An Giang sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân. Tỉnh sẽ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh đặt mục tiêu đạt giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2019 (giá so sánh 2010) đạt 2,75%, tốc độ tăng GO (giá trị sản xuất) khoảng 3,65%, có 90% số dân nông thôn sử dụng nước đạt theo quy chuẩn QCVN 02 (tăng 1% so năm 2018), có tối thiểu 57/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11 xã so cuối năm 2018), giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 183 triệu đồng/ha (tăng 13 triệu đồng)...

Để đạt kế hoạch đề ra, ngành nông nghiệp phấn đấu năm 2019 sẽ tăng thêm 5.000ha lúa (tổng diện tích cả năm khoảng 639.000ha), chủ yếu tăng ở vụ thu đông 2019 (nếu lũ nhỏ), không tăng diện tích nếp. Trong đẩy mạnh triển khai kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm”, tỉnh ưu tiên giảm thất thoát trong và sau thu hoạch bằng cách triển khai tích cực hơn nữa Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi cho các thành phần kinh tế, người dân đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Đồng thời, tăng cường triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp “Cánh đồng lớn” để xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo, phát triển các loại lúa, gạo đặc sản vùng, miền như gạo Nàng Nhen Bảy Núi, lúa mùa nổi, Hồng Ngọc Óc Eo, Jasmine...

Đối với hoa màu, thực hiện tăng vụ đối với một số loại cây màu có giá trị kinh tế cao, riêng bắp non tăng diện tích từ 200-500ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, do giá heo hiện nay tăng cao nên khả năng nuôi trong dân sẽ tăng khoảng 10.000 con. Đối với thủy sản, tiếp nối đà tăng trưởng mạnh năm 2018, cùng với việc nâng cấp Trung tâm Giống thủy sản An Giang thành trung tâm cấp vùng, cung ứng cho khu vực ĐBSCL, số lượng con giống năm 2019 dự kiến tăng 200 triệu con, diện tích nuôi cá tra thương phẩm sẽ tăng 105ha, sản lượng thu hoạch tăng 30-40% (tương đương 60.000 tấn) so năm 2018. Đồng thời, tiếp tục phát triển mạnh các loại thủy sản khác hiện có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và một phần xuất khẩu như: tôm càng xanh, cá điêu hồng, cá sặc rằn, ếch…

NGÔ CHUẨN