Nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

15/08/2019 - 07:43

 - Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn mang tính chiến lược nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Xác định tầm quan trọng đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 50% trường đạt chuẩn quốc gia. Nửa nhiệm kỳ qua, với sự quyết tâm của toàn ngành, sự quan tâm trong lãnh - chỉ đạo, đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và sự đồng thuận của xã hội việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh đã đạt nhiều kết quả.

Nhiều kết quả tích cực

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Thị Ngọc Diễm, trước yêu cầu bức thiết nâng cao chất lượng toàn diện của hệ thống GD&ĐT của tỉnh, ngày 18-1-2010, UBND tỉnh có Quyết định số 91 ban hành Đề án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tỉnh An Giang (giai đoạn 2010-2020). Hàng năm, nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ thị năm học. Theo đó, Sở GD&ĐT tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện đến Phòng GD&ĐT và các trường trực thuộc, tổ chức các lớp tập huấn cán bộ phụ trách, lãnh đạo các trường đảm bảo các nội dung cần thiết xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được thông suốt đến từng đơn vị cơ sở. Yêu cầu mỗi trường học xây dựng lộ trình phấn đấu năm học đạt chuẩn và thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ đạt của 5 tiêu chuẩn. Hiện toàn tỉnh có 206/716 trường trong hệ thống công lập đạt chuẩn quốc gia. Trong đó 52/183 trường mầm non, 83/327 trường tiểu học, 53/156 trường THCS và 18/48 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang hơn; trang thiết bị dạy học hàng năm được bổ sung và dần hoàn thiện, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (tỉnh, huyện) giai đoạn 2012 - 2020 gần 3.300 tỷ đồng; nguồn thu hợp pháp khác trên 11 tỷ đồng.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu công tác đặt ra. Gần 87% cán bộ quản lý, 77% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo. Công tác quản lý điều hành hoạt động chuyên môn tại các trường học được thực hiện nghiêm túc; các quy định theo quy chế chuyên môn và quản lý ngành, nền nếp kỷ cương trường học được đảm bảo tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Những trường đạt chuẩn quốc gia có sự chuyển biến tích cực về chất lượng. Cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm phấn đấu hoàn thành tốt công việc. Môi trường giáo dục được xây dựng thân thiện, có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, tạo được sự đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường.

Nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới

Cần quyết tâm của ngành và cả hệ thống chính trị

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả tích cực đạt được, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn một số khó khăn nhất định. So với khu vực và cả nước, An Giang là một trong những tỉnh có tỉ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia thấp. Nguyên nhân do cơ sở vật chất trường học dù được đầu tư đáng kể nhưng nhìn chung chưa đồng bộ và chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự phát triển (chủ yếu xây dựng phòng học, còn thiếu nhiều phòng chức năng, phòng bộ môn…). Mạng lưới trường lớp không tập trung, phân tán nhiều điểm lẻ, nhất là khu vực nông thôn. Ngoài tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, một số địa phương cũng như Ban Giám hiệu không ít trường chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc đầu tư xây dựng các tiêu chuẩn khác (tổ chức quản lý, xã hội hóa…), còn tâm lý trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước. Mặt khác, việc huy động học sinh bỏ học trở lại trường hiệu quả chưa cao; chất lượng chăm sóc trẻ ở các điểm lẻ, điểm gắn trường tiểu học còn hạn chế…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, An Giang phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm 57 trường, năm 2020 có thêm 92 trường đạt chuẩn quốc gia, nhằm đưa tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia gần với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là 49,65/50%. Để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, cần có thời gian và phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện tốt của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của tập thể sư phạm. Theo đó, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao chất lượng công tác điều hành, quản lý giáo dục. Nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và các hoạt động trong các cơ sở giáo dục. Trong đó tập trung tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường. Đẩy mạnh giáo dục học sinh tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức học tập, tu dưỡng đạo đức, lễ phép, thương yêu giúp đỡ bạn bè, văn minh trong ứng xử, không vi phạm nội quy nhà trường và pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia công tác xã hội, hoạt động tình nguyện.

THU THẢO