Nơi học sinh yếu thế được yêu thương

18/12/2018 - 07:51

 - Là mái nhà nuôi dưỡng tâm hồn những học sinh yếu thế, vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi, Trường Trẻ em khuyết tật An Giang đã thực hiện rất tốt công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống giúp học sinh hình thành thái độ tôn trọng, tự tin vào bản thân, có trách nhiệm với hành động của mình.

Học sinh khuyết tật luôn được yêu thương 

Những năm qua, Trường Trẻ em khuyết tật An Giang  thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh, cha mẹ học sinh và đội ngũ thầy, cô giáo: thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, tư vấn sức khỏe và phòng, chống các bệnh học đường, các bệnh liên quan: cong vẹo cột sống, bệnh lý nha, các rối loạn phát triển tâm sinh lý... ngăn ngừa tai nạn, thương tích cho học sinh trên đường đến trường và trong trường học. Thường xuyên chăm sóc, nhắc nhở học sinh vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tổ chức buổi tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, giáo dục sức khỏe vị thành niên và phòng, chống bệnh dịch, tệ nạn xã hội xâm nhập trường học…

Trường còn chỉ đạo và tổ chức sử dụng thường xuyên, hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực nhằm kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của học sinh, tăng cường mối liên hệ giữa gia đình và cộng đồng. Theo đó, trường đã triển khai các giải pháp đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh như: biên soạn lại chương trình (mục tiêu cần đạt); tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, nhất là học sinh khiếm thính và khuyết tật trí tuệ. Trường thực hiện dạy ngoại ngữ theo chương trình “Let’s go” đối với học sinh tiểu học 2 tiết/tuần; THCS dạy theo chương trình hiện hành. Tuy nhiên, chất lượng học sinh khiếm thị học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế; khó học thuộc từ, vận dụng mẫu câu, điều này khiến việc tổ chức kiểm tra, đánh giá có phần giảm nhẹ so yêu cầu. Trường đã tổ chức 1 buổi hội thảo chuyên môn về kinh nghiệm giảng dạy và giáo dục trẻ khuyết tật năm học 2017-2018. Qua đó, có 6 bài tham luận được đúc kết nhằm góp phần nâng cao hiệu quả về phương pháp giáo dục trẻ khuyết tật của nhà trường.

Tiếp tục triển khai “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tập thể giáo viên nhà trường đã thực hiện tốt các nội dung: xây dựng trường, lớp xạch đẹp an toàn; dạy học có hiệu quả phù hợp với lứa tuổi và tâm lý của học sinh khuyết tật. Nhờ vậy, các em tự tin hơn trong học tập. Bên cạnh đó, giáo viên còn chú trọng việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động tập thể, sinh hoạt các câu lạc bộ học tập, thể dục - thể thao, chăm sóc hoa kiểng; cho học sinh tham gia tìm hiểu và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử. Nguyễn Quý Lễ (học sinh lớp Khuyết tật trí tuệ) chia sẻ: “Em học ở trường được 6 năm. Thầy, cô luôn thương yêu và chăm sóc tốt cho em. Em thương cô giáo của mình nhiều lắm!”.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, trường đã mở rộng việc sử dụng công nghệ thông tin, đáp ứng việc dạy và học. Hiện, trường có 2 phòng máy đủ dạy môn tin học cho 2 đối tượng học sinh khiếm thính và khiếm thị. Trường còn trang bị 22 tivi phục vụ đầy đủ tất cả các lớp học. Về công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm đúng mức, trường luôn được sự quan tâm giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất của các nhà hảo tâm đóng góp bằng tiền, hiện vật, gạo, hàng hóa, thực phẩm, dụng cụ học tập. Từ tháng 8-2017 đến 5-2018, tổng số hàng hóa, thực phẩm được tặng quy thành tiền trên 340 triệu đồng. Đối với việc ăn, uống của học sinh, trường đã hỗ trợ 5 tháng từ tháng 1 đến 5-2018 tiền ăn cho học sinh với số tiền hơn 260 triệu đồng. Ban Giám hiệu nhà trường còn phát động phong trào đăng ký và nhận đỡ đầu học sinh, có 6 học sinh được các tổ chuyên môn nhận đỡ đầu với hình thức hỗ trợ một phần kinh phí tiền ăn, dụng cụ học tập, quần áo…

Dưới mái nhà thứ 2 của những học sinh khuyết tật, thầy, cô chính là cha mẹ, là những người tạo lập niềm tin và tiếp thêm động lực để các em bước tiếp hành trình của đời mình. Vì thế, việc xây dựng xã hội học tập dưới mái trường này ngày càng được chú trọng hơn.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN