Nỗi khổ… đốt vàng mã!

04/03/2019 - 07:38

 - Hiện nay, tục đốt vàng mã đang gây ra sự phản cảm, thậm chí là bức xúc của nhiều người. Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức trong việc hạn chế đốt vàng mã cũng như tránh lãng phí khi tham gia lễ hội.

Mùa hành hương là lúc các điểm thờ tự tại An Giang đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, cúng bái. Tất nhiên, việc đón lượng khách đông đảo giúp tỉnh có điều kiện phát triển du lịch văn hóa tâm linh, nhưng đâu đó xuất hiện nhiều vấn đề phản cảm cần chấn chỉnh, trong đó có tục đốt vàng mã. Sẽ là rất khó nếu buộc người Việt bỏ hẳn tục đốt vàng mã, bởi nó xuất phát từ mong muốn gửi gắm những mong ước của người dân đến các vị thánh thần. Nhưng thực tế, người dân đã lạm dụng quá mức cần thiết đối với tập tục này, bởi họ đều muốn đốt vàng mã tại những điểm thờ cúng mỗi khi đặt chân đến.

Những ngày này, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc) có rất đông du khách đến hành hương, chiêm bái và cúng viếng. Bởi thế, 2 chiếc lò được Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam sắp xếp cho khách đốt vàng mã lúc nào cũng rực lửa. Người này chưa đốt xong, người khác đã đến và bỏ số vàng mã của mình vào lò. Bởi thế, cảnh tượng khói bay mù mịt đã trở nên quen thuộc với du khách mỗi khi đến miếu trong cao điểm những tháng hành hương. Để 2 chiếc lò không bị “quá tải”, Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam cử hẳn 1 nhân viên đứng dùng cây để trộn số vàng mã khách bỏ vào cho cháy hết và tiến hành hốt tro bụi mang đi đổ ở nơi khác, nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh. Không lâu sau đó, tiếp tục có người đến và bỏ thêm vàng mã vào lò và khấn vái. Thực tế, trong kinh sách nhà Phật hay những tôn giáo khác không có việc cổ súy cho tục đốt vàng mã. Việc đốt vàng mã chủ yếu hình thành theo tín ngưỡng dân gian và kéo dài từ đời này sang đời khác.

Du khách hay đốt vàng mã tại các điểm thờ cúng

Trước tình trạng này, Ban Quản trị miếu Bà Chúa Xứ núi Sam đã phát loa kêu gọi du khách gần xa cần hạn chế việc đốt vàng mã, nhang đèn nhằm bảo vệ sức khỏe người khác. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ giảm chút ít. Trưởng ban Quản trị Lăng miếu núi Sam Huỳnh Văn Đường cho hay: “Ngoài việc phát loa kêu gọi sự tự giác của du khách, chúng tôi còn dán bảng tuyên truyền có nội dung tương tự tại 2 chiếc lò đốt vàng mã. Mong rằng mọi người hãy hạn chế việc đốt vàng mã, bởi ai cũng biết vàng mã dù là vàng giả, tiền giả, đồ giả nhưng du khách phải tốn tiền thật để mua và đốt. Do đó, việc hạn chế đốt vàng chính là tránh lãng phí khi tham gia lễ hội”. Chưa kể, mức giá vàng mã sẽ do… người bán quyết định, vì họ sẽ “nhìn mặt khách hàng mà bán”. Khách sang giá sẽ “sang”, khách nghèo thì giá “đỡ đỡ”, tệ đến mấy cũng 40.000 - 50.000 đồng/bộ.

Không chỉ ở miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, hầu như các điểm thờ cúng tâm linh đều xuất hiện việc đốt vàng mã. Nhiều du khách quan niệm rằng, việc đốt vàng mã càng nhiều sẽ được thánh thần quan tâm, dù không biết rằng, chính hành động của mình là biểu hiện của sự “hối lộ” đối với các đấng siêu nhiên. Thực tế cho thấy, việc đến điểm hành hương cúng bái là để mọi người cầu mong những điều tốt lành cho gia đạo, hanh thông trong công việc và chỉ cần xuất phát từ tấm lòng thành kính là đủ. Hành động đốt vàng mã không mang lại tác dụng gì, chỉ biến du khách trở thành người mê tín và là nạn nhân của hiện tượng "chặt chém" khi tham gia lễ hội.

Không chỉ đốt vàng mã, việc đốt nhang đèn quá mức cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người khác tham gia lễ hội. Thời gian qua, du khách khi đến các điểm thờ cúng đều ít nhiều than phiền “bị ngộp” do lượng khói trong khu vực chánh điện các chùa, miếu quá nhiều. Chia sẻ về điều này, ông Huỳnh Văn Đường bày tỏ: “Chúng tôi phát loa kêu gọi du khách thường xuyên. Thực tế, chúng ta đến cúng thì một nén nhang thôi cũng đủ lòng thành. Nhưng vẫn có những người dùng cây nhang rất to hay đốt cả nắm thì không nên”. Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam phải cử người rút bớt nhang trong lư hương để giảm lượng khói và có chỗ cho người khác tới cắm.

Do mùa hành hương hàng năm trùng với mùa khô ở vùng Bảy Núi, nên việc đốt vàng mã ở điểm thờ cúng không chỉ là “nỗi khổ” của nhiều người, mà còn là “nỗi lo” của các đơn vị bảo vệ rừng. Chỉ một đốm lửa nhỏ xuất hiện thời điểm này sẽ trở thành mới đe dọa lớn, vì thế địa phương và ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức du khách khi tham gia hành hương tại các điểm thờ cúng trên núi, cũng như tham quan du lịch.

Việc đốt vàng mã, nhang đèn quá mức đã trở thành “điểm trừ” của du khách khi tham gia lễ hội. Vì thế, chúng ta hãy thể hiện là người có trách nhiệm trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, đồng thời tích cực tuyên truyền cho người khác hãy hạn chế đốt vàng mã, nhang đèn khi đến các cơ sở thờ tự, nhằm tránh sự lãng phí và thể hiện nếp sống văn minh.

MINH QUÂN