Nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, kém chất lượng

26/04/2019 - 07:37

 - Thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng. An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là vấn đề được mọi người, mọi nhà và xã hội đặc biệt quan tâm. Các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về ATVSTP, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Năm qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ vi phạm về ATVSTP, xử phạt vi phạm hành chính 19,5 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về ATVSTP liên quan 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm. Trong đó đã khởi tố 11 vụ/15 bị can về tội “Vi phạm các quy định về ATVSTP” và một số tội danh liên quan đến ATVSTP, như: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính 5.627 vụ liên quan 4.924 cá nhân, 749 tổ chức, với số tiền xử phạt gần 30 tỷ đồng và đang điều tra, xử lý 184 vụ; buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng…

Năm qua, toàn tỉnh thành lập 171 đoàn liên ngành kiểm tra 14.077 cơ sở (gồm 1.096 cơ sở sản xuất, 2.930 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 10.051 cơ sở dịch vụ ăn uống), qua đó có 11.399 cơ sở đạt chuẩn và tiến hành xử lý 526 cơ sở vi phạm, nhắc nhở 2.236 cơ sở. Đồng thời, test nhanh 992 mẫu, đạt 885 mẫu… Năm 2018, xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi sinh gây ngộ độc 28 người (ngày 12-12-2018 tại TX. Tân Châu); Chi cục ATVSTP kịp thời phối hợp, đề nghị xử phạt chủ cơ sở 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4 tháng…

Tăng cường đảm bảo ATVSTP các bếp ăn tập thể

Các ngành liên quan như: nông nghiệp, công thương… tăng cường kiểm tra liên ngành nên góp phần thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thanh, kiểm tra chất lượng ATVSTP tại 106 cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh và lấy 38 mẫu kiểm nghiệm. Kết quả, có 17/38 mẫu không đạt, ban hành 30 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSTP, với tổng số tiền 179,3 triệu đồng; xử lý kịp thời các vụ vi phạm và thông tin nhanh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điển hình là kịp thời xử lý 350kg dưa ngó sen sử dụng hóa chất, đồng thời tiêu hủy 30kg hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú); tịch thu và tiêu hủy 50kg khô gà lá chanh, 5kg hóa chất không rõ nguồn gốc của cơ sở M.N (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú)...

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 172 đoàn thanh, kiểm tra (169 đoàn liên ngành), trong đó 1 đoàn tuyến tỉnh, 14 đoàn tuyến huyện, 157 đoàn kiểm tra tuyến xã. Qua đó, thanh, kiểm tra 4.187 cơ sở, kết quả có 3.690 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 88%), 497 cơ sở vi phạm, phạt tiền 5 cơ sở và nhắc nhở 497 cơ sở. Đa số các cơ sở vi phạm về điều kiện con người, vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ, chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng... Thực hiện test nhanh với tỷ lệ đạt trung bình là 96%, tập trung ở các test hàn the, clo dư… Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp kiểm tra 56 cơ sở, doanh nghiệp và lấy 20 mẫu sản phẩm để kiểm tra chất lượng, ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 44 triệu đồng.

Bác sĩ Nguyễn Chí Công, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, năm nay, An Giang chọn chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Từ ngày 15-4 đến 15-5 sẽ tập trung thanh, kiểm tra ATVSTP tại các cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh. Đây là đợt cao điểm phát động chiến dịch truyền thông về tuân thủ quy định ATVSTP trong các hoạt động SXKD thực phẩm. Tuyên truyền chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh do sử dụng thực phẩm không an toàn… 

Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh Phan Vân Điền Phương yêu cầu, công tác thanh, kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, chuyên sâu, không nên qua loa, dễ dãi, để mang lại kết quả tốt nhất là đảm bảo ATVSTP, đảm bảo sức khỏe người dân. Trong đó tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở SXKD thực phẩm, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề; gắn trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền các cấp để tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATVSTP; nâng cao trách nhiệm cá nhân, tổ chức, người SXKD thực phẩm.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trăn trở khi tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường, yêu cầu mỗi thành viên đoàn kiểm tra nêu cao ý thức, trách nhiệm đạo đức khi thực thi công vụ. “Mỗi ngày, báo chí đưa rất nhiều vụ sản xuất, mua bán thực phẩm giả, kém chất lượng, thậm chí ôi thiu, ngâm hóa chất độc hại… Đây là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, nhưng chế tài xử lý vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, quá trình thanh, kiểm tra, cần tăng cường tuyên truyền “đến nơi, đến chốn” để nâng cao nhận thức người dân, nhất là nâng cao đạo đức người SXKD thực phẩm, đảm bảo ATVSTP để bảo vệ sức khỏe cộng đồng; mặt khác cần hướng dẫn cách thức để người dân chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn. Đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra đột xuất, nghiêm túc nhằm đảm bảo ATVSTP các cơ sở SXKD thực phẩm, các bếp ăn tập thể. Tuyệt đối “nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng” và luôn chú trọng bảo vệ người tiêu dùng”.

Box: “Sản phẩm độc hại đã vào tận bàn ăn của mọi người, yêu cầu các cấp, ngành, nhất là đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, chú trọng kiểm tra đột xuất, để đảm bảo quyền lợi cho những người làm ăn chân chính, đồng thời bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng” - quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH