Nỗi lo đầu năm học mới

29/08/2018 - 06:51

 - Sau kỳ nghỉ hè, các em học sinh (HS) trở lại trường trong niềm háo hức khi gặp lại thầy cô, bạn bè. Bên cạnh niềm vui của HS, còn lắm những nỗi lo của phụ huynh và giáo viên khi bắt đầu năm học mới.

Với HS, không có gì vui bằng sau bao ngày xa vắng, nay được gặp lại từng gương mặt thân quen dưới mái trường mến yêu. Những lời chào hỏi ân cần, từng ánh mắt âu yếm nhẹ nhàng trao nhau dưới sân trường còn vương vấn những cánh phượng hồng, báo hiệu mùa hè đã kết thúc. Đối với phụ huynh, năm học mới là bắt đầu cho những nỗi lo mà dường như “không thể hẹn lần hẹn lựa”.

Đối diện với hàng chục khoản chi như: tiền học phí, tiền mua cặp sách, đồng phục, tiền đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn... khiến phụ huynh không khỏi lo lắng. Với những gia đình có điều kiện, đó là chuyện... "không có gì để bàn". Nhưng đây lại là “bài toán khó” cho các gia đình còn chật vật với cái ăn hàng ngày.

Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Trần Ngọc Út (sinh năm 1977, ngụ ấp Hòa Đông, thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) chia sẻ: “Nhà không có ruộng đất nên mọi sinh hoạt trông chờ vào tiền công làm phụ hồ của tôi. Chịu khó làm, tôi kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày. Gặp những hôm thời tiết thất thường, mưa gió triền miên coi như tôi bị “thất nghiệp”. 5 năm trước, mẹ tôi bị tai biến rồi trở nặng. Để có tiền chạy chữa cho mẹ, tôi vay mượn khắp nơi gần 40 triệu đồng. Giờ bà đã mất nhưng số nợ vẫn còn. Hàng tháng, tôi phải đóng lãi gần 2 triệu đồng. Với tôi, đây là con số rất lớn vì tiền công cao lắm chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Vợ tôi khi khỏe mạnh thì nhận giặt đồ mướn quanh xóm, kiếm thêm khoảng 20.000 - 30.000 đồng/lần, phụ tiền rau mắm qua ngày. Mấy ngày qua, con trai tôi bắt đầu trở lại trường học, năm nay nó lên lớp 5. Những tháng qua, tôi và vợ cố gắng “chắt mót” để lo các khoản chi đầu năm học của con”.

Nỗi lo đầu năm học mới

Những phần quà tiếp bước đến trường, giúp phụ huynh vơi đi phần nào khó khăn

Theo lời anh Út, nhờ chăm ngoan, học giỏi, luôn lọt vào “top 3” của lớp nên con trai anh - em Trần Ngọc Thái (11 tuổi, học sinh Trường Tiểu học “B” thị trấn Phú Hòa) được tặng thưởng tập, sách hàng năm, đỡ được một khoản lo. gia đình thuộc diện hộ nghèo nên học phí cũng nhẹ bớt phần nào. Nhưng về khoản chi mua đồng phục mới, giầy, dép, dụng cụ học tập... khiến anh đau đầu. Bởi, thu nhập bấp bênh, nợ nần chồng chất lại thêm nuôi dưỡng người chị bị bệnh tâm thần nên anh Út lúc nào cũng nặng gánh lo nghĩ.

“Mấy tháng nay, dành dụm được khoảng 1 triệu đồng để mua sắm vật dụng đầu năm học cho con, tôi mừng lắm. Biết gia cảnh nghèo, thằng bé chưa bao giờ đòi hỏi nhưng để con mặc đồng phục cũ đến trường cũng tội cho nó quá!”- anh Út tâm sự.

Còn với chị Nguyễn Thanh Thủy (44 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành), năm học mới của con bắt đầu với muôn vàn nỗi lo. Chị Thủy có 2 con đều đang độ tuổi ăn học. Cháu lớn năm nay vào lớp 10, cháu nhỏ đã lên lớp 5. Nhà trồng rẫy nhưng chỉ có mấy công "mùa thất, mùa trúng". Chỉ mỗi việc nuôi và lo cho các con ăn học cũng là khó khăn với gia đình chị.

“Năm học vừa rồi, con gái lớn của tôi được chọn thi HS giỏi cấp tỉnh môn Địa lý, tôi mừng lắm. Ngày thường, nhờ chăm chỉ học nên thành tích trên lớp của nó đạt loại khá. con tôi học ở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm khá xa nhà nên tôi cũng hơi lo. Chưa kể các khoản học phí, bảo hiểm, sắm may áo dài... là gánh nặng không nhỏ với gia đình tôi. Còn đứa nhỏ, có thể học lại sách cũ của chị nó nhưng phải sắm sửa cặp, đồng phục, dụng cụ học tập để bằng chị, bằng em”- chị Thủy chia sẻ.

Nỗi lo đầu năm học mới

Đổi lấy niềm vui đến trường cho con là bao nỗi lo của cha, mẹ

Phụ huynh có nỗi lo của phụ huynh, giáo viên cũng “đứng ngồi không yên” với nhiều nỗi lo toan cho ngày tựu trường đang đến gần. Thầy Nguyễn Hữu Tình, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (xã Tân An, TX. Tân Châu) cho biết: “Khó khăn lớn nhất của trường là việc vận động HS ra lớp. Bởi, đa phần HS ở đây đều có hoàn cảnh nghèo khó. Mấy tháng hè, nhiều em đã rời quê, cùng cha, mẹ lên TP. Hồ Chí Minh hay Bình Dương để mưu sinh, đến nay vẫn chưa về. Dù từ ngày 20-8, tất cả HS đều phải trở lại trường nhưng đến nay, vẫn còn có em chưa đến lớp. Hầu hết các em chưa có mặt đều rơi vào trường hợp vừa kể. Chúng tôi đã tìm mọi cách, phối hợp chính quyền địa phương, liên hệ phụ huynh đưa các em về nhập học nhưng chưa có chuyển biến. Vài người bảo là, nếu về liền thì công ty sẽ không tính lương cho các em, vì phải làm đủ tháng người ta mới trả công. lo sợ lớn nhất của chúng tôi là các em kiếm được tiền sớm quá sẽ lơ là, quên việc học, thậm chí bỏ học. Năm nào chúng tôi cũng gặp phải trường hợp như vậy. Để góp phần tiếp bước HS nghèo, HS khó khăn, ngăn dòng bỏ học, hàng năm, trường đều trao học bổng cho các em vượt khó và hỗ trợ xe đạp cho HS”.

Canh cánh nhiều nỗi lo như thế, nhưng dẫu sao phụ huynh và nhà trường tìm mọi cách để con em mình được đến trường trong niềm vui và tất cả sự hân hoan, phấn khởi. Mong rằng, các em hãy ra sức học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi, không phụ lòng thầy, cô và cha, mẹ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN