Nỗi lo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng

15/08/2018 - 07:55

 - Hiện nay, việc canh tác nông nghiệp (NN) của bà con nông dân (ND) có những chuyển biến tích cực nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất (SX). Điều này đã giúp ND nâng cao thu nhập, giảm giá thành SX. Bên cạnh vấn đề thời tiết, năng suất, chất lượng cây trồng hay giá cả... thì bài toán về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả, kém chất lượng đã và đang khiến ND “đau đầu”.

Nông dân gặp khó

Phân bón, thuốc BVTV đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định năng suất của cây trồng cũng như góp phần nâng cao chất dinh dưỡng cho đất. Nếu sử dụng đúng thuốc, đúng cách sẽ giúp năng suất của cây tăng cao, phát triển vượt trội, hạn chế sâu bệnh và dịch hại, góp phần nâng cao chất lượng nông sản. Thế nhưng hiện nay, việc lựa chọn vật tư NN của bà con ND đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, mặt hàng này đã và đang được làm giả, làm nhái hết sức tinh vi và được bày bán tràn lan trên thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Nước (ND canh tác lúa tại xã Tân Lập, Tịnh Biên), hiện nay ND gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn, phân biệt các loại thuốc BVTV thật hay giả. “Khi mua thuốc BVTV, chúng tôi chỉ khai báo tình hình bệnh hại, người kinh doanh sẽ trực tiếp tư vấn về các loại thuốc, liều lượng và cách thức sử dụng. Còn nguồn gốc, xuất xứ hay thành phần của thuốc thì ít quan tâm. Khi cây trồng bị thiệt hại, chúng tôi mới biết mình mua nhầm thuốc kém chất lượng, mọi thiệt hại chỉ mình ND gánh” - ông Nước chia sẻ.

Nâng cao ý thức nông dân trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Nâng cao ý thức nông dân trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Là một trong những người từng sử dụng phân bón kém chất lượng, ông Trần Văn Chinh (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, Tri Tôn) cho biết, trước đây, để chăm sóc vườn mãng cầu của gia đình, ông mua 10 bao phân NPK của một cửa hàng vật tư tại Tri Tôn. Về màu sắc, hình dáng bao bì rất giống phân chính hãng. Sau khi sử dụng một thời gian mới phát hiện đây là sản phẩm nhái. “Thời điểm đầu sau khi bón phân, cây phát triển bình thường. Sau một thời gian, cây có dấu hiệu suy kiệt: lá bị vàng, chất lượng trái nhỏ hơn những vụ trước. Kiểm tra mới biết phân bón chỉ phủ 1 lớp mỏng bên ngoài, ở trong là 1 chất màu trắng, dẻo, không tan trong nước. Vụ đó, ngoài tốn chi phí về phân bón, năng suất mãng cầu ước tính giảm khoảng 20% so với những vụ trước” - ông Chinh cho hay.

Siết chặt quản lý

Hiện nay, tình hình gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV diễn ra hết sức tinh vi và có xu hướng gia tăng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD). Phương thức chủ yếu là: nhái các nhãn hiệu nổi tiếng; đưa thêm các loại tạp chất như: bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm; đưa ra thị trường các sản phẩm sai với nội dung quy chuẩn về chất lượng đã được công bố...

Để quản lý tốt các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng bán trên thị trường, ngành chức năng cần chủ động nắm bắt, đánh giá sát hoạt động SXKD phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trên địa bàn phụ trách; thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở KD các mặt hàng này; nắm chắc diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cơ sở SXKD; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Mặt khác, người ND cần được tăng cường về việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nâng cao nhận thức để lựa chọn đúng cơ sở có uy tín, sản phẩm đảm bảo chất lượng hoặc thương hiệu nổi tiếng. Ngoài ra, ND cần chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học trong SXNN; áp dụng phương pháp, cách thức sử dụng phân bón, thuốc BVTV khoa học, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nguyễn Hoàng Vân cho biết, công tác kiểm tra phân bón, thuốc BVTV tại các hộ KD trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên; qua kiểm tra, nhìn chung tình hình vi phạm ít xảy ra và có dấu hiệu giảm so với trước.

ĐỨC TOÀN