Nỗi lo tìm chỗ gửi con dịp hè

10/07/2019 - 07:34

 - Mùa hè là thời điểm cho con trẻ vui chơi, thư giãn sau thời gian dài miệt mài học tập. Tuy nhiên, đối với các bậc phụ huynh, mùa hè là khoảng thời gian “đau đầu” trong việc tìm chỗ để gửi con.

Nỗi lo tìm chỗ gửi con dịp hè

Không chỉ ở nông thôn, ngay cả ở thành thị phụ huynh cũng rất vất vả tìm chỗ gửi con trong dịp hè 

Cuối tháng 5 là lúc tất cả các trường tiểu học tổ chức tổng kết năm học. Đối với bậc học mầm non, mẫu giáo thì có trường chỉ nghỉ hè vài tuần, có trường nghỉ suốt thời gian hè. Chính vì thế, vấn đề tìm chỗ gửi con trong 3 tháng hè trở thành nỗi lo lắng, vất vả của không ít phụ huynh không chỉ ở nông thôn mà cả khu vực thành thị.

Ở TP. Long Xuyên, ngoài Trường Phổ thông quốc tế GIS duy trì thường xuyên các lớp trong dịp hè, rất ít trường mở các lớp hè để phụ huynh gửi con vào học. Chị Phan Thủy Linh (phường Mỹ Xuyên) cho biết: “Mình phải loay hoay tìm chỗ gửi con, rất vất vả. Con mình mới 5 tuổi, học trường mẫu giáo nhưng trường không dạy trong dịp hè, phải nhờ bạn bè giới thiệu cô giáo quen để gửi và rèn chữ viết. Chi phí cao hơn gần gấp đôi nhưng tìm được chỗ gửi con an toàn trong mùa hè là tốt rồi”.

Dịp hè, nhiều nơi tổ chức các lớp năng khiếu để thu hút trẻ vào học. Nhà Thiếu nhi An Giang tổ chức các lớp năng khiếu hè, bao gồm các bộ môn như: bóng đá, bóng rổ, phổ cập bơi, cờ vua, võ thuật, thể dục nhịp điệu, đàn organ, guitar, thanh nhạc, viết thư pháp, nhảy hiện đại, aerobic, hội họa… Và hầu hết các trường đều tổ chức sinh hoạt hè với các hoạt động vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu nhi. Ngoài chuỗi hoạt động “Sinh hoạt hè” năm nay, Tỉnh đoàn còn xây dựng mới 23 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn dân cư; giúp đỡ 1.900 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Tỉnh đoàn tổ chức ôn tập hè, dạy bơi, dạy ngoại ngữ; tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em… cho thanh, thiếu nhi.

Một trong những khó khăn đó là hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra không liên tục, nhất là các lớp hè tổ chức theo giờ, theo buổi nên phụ huynh phải đưa rước, chứ không ở bán trú hàng ngày. “Tìm được lớp học cho con trong dịp hè mừng lắm. Nhưng các lớp hè chỉ dạy theo giờ, theo buổi nên vợ chồng mình phải canh giờ đón con. Nhiều chị làm chung với mình mỗi ngày phải gửi con 2 chỗ mới đảm bảo được công việc. Chiều rước về là cả 2 mẹ con bơ phờ, vì mẹ phải lo chuyện đưa rước, còn con phải di chuyển qua 2 chỗ học khác nhau”- chị Lành (công nhân công ty may mặc) chia sẻ.

Ở đô thị là thế, đối với những vùng nông thôn, miền núi còn vất vả hơn nhiều. Do điều kiện khó khăn, các trường không tổ chức mô hình bán trú, hoặc ít tổ chức các lớp hè, nên phụ huynh chỉ còn biết tìm người thân để gửi con cho cha mẹ lao động mưu sinh. “Để con ở nhà thì không ai giữ, đem theo ra đồng thì không an toàn, sơ sẩy một chút là té xuống nước. Tìm được chỗ gửi con trong hè là vấn đề gian nan”- anh Xinh (ngụ xã Vĩnh Hậu, An Phú) than thở. Đó là chưa kể nếu trẻ ở nhà với người thân thì hầu như suốt ngày đều xem ti-vi hoặc chơi trò chơi điện tử, bấm điện thoại… Đối với những vùng ngập lũ, trẻ còn có nguy cơ đuối nước rất cao.

Điều đáng quan tâm ở nông thôn hiện nay là thiếu sân chơi cho thanh, thiếu nhi. Trong mùa hè, các trường chỉ tổ chức vài buổi sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi vui chơi, giải trí. Một phần do điều kiện mưu sinh, đi lại khó khăn, một phần do các hoạt động chưa hấp dẫn… nên chưa thu hút nhiều thanh, thiếu nhi tham gia. “Điều mong muốn nhất của phụ huynh hiện nay là có được các lớp bán trú trong dịp hè. Nếu có được các lớp này, phụ huynh sẽ rất yên tâm, vì con em sẽ được giữ an toàn, ăn uống đảm bảo, yên tâm đi làm để cải thiện cuộc sống”- chị Huệ (ngụ xã Phú Hội, An Phú) mong muốn.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH