Nông dân Châu Đốc thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi

25/09/2019 - 07:52

 - Nhờ sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân, phong trào nông dân sản xuất-kinh doanh (SXKD) giỏi giai đoạn 2016-2019 trên địa bàn TP. Châu Đốc ngày càng được nhân rộng, phát triển, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

TP. Châu Đốc có 7.200ha diện tích đất nông nghiệp, 58ha nuôi trồng thủy sản. Ba năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức từ thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và giá cả vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra không ổn định… nhưng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, bà con nông dân, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, các ngành nghề nông thôn phát triển phong phú và đa dạng, nhiều mô hình SXKD mới xuất hiện theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng. Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, tăng diện tích cây ăn trái, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, chất lượng nông sản ngày càng nâng lên, đa dạng hóa, nhiều chủng loại (xoài, dưa lưới, hoa, cây kiểng…).

Nông dân Châu Đốc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Phong trào nông dân SXKD giỏi, làm giàu chính đáng được triển khai đồng bộ và sâu rộng đến từng hộ. Trong 3 năm (từ 2016-2019) thực hiện phong trào, đã có trên 6.700 hộ nông dân đăng ký, xét chọn được gần 5.900 hộ nông dân giỏi 3 cấp (đạt 87,7%) và công nhận 15 tập thể giỏi 3 cấp. Từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, học hỏi đưa vào thử nghiệm, nhân rộng các loại cây, con mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn, như: vườn cây ăn trái, rau màu ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi và kinh doanh nông nghiệp, tiêu thụ nông sản… Không chỉ phát triển về số lượng mà phong trào còn phát triển cả về chất lượng. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người tăng qua từng năm. So với giai đoạn trước, 3 năm gần đây, thu nhập của nông dân tăng 140% trở lên (từ 14 - 46 triệu đồng/người/năm).

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 44 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hội Nông dân phối hợp Phòng Kinh tế và UBND các xã, phường đã vận động nông dân thực hiện được 18 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 5 mô hình so giai đoạn 2014-2016. Các mô hình điển hình, như: nuôi cá lóc an toàn, trồng dưa lưới trong nhà vòm, nuôi lươn không bùn, trồng bưởi da xanh, du lịch sinh thái… Đáng chú ý, thành phố hiện có trên 22ha sản xuất rau màu theo hướng an toàn, tăng 15ha so trước năm 2016. Xây dựng 2 mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái của nông dân Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B), Nguyễn Văn Ưng (xã Vĩnh Tế); mô hình bưởi da xanh của nông dân Trần Văn Tài (phường Vĩnh Mỹ)…

Nông dân SXKD giỏi Hồ Tấn Phong (tổ 11, khóm Châu Long 8, phường Châu Phú B) chia sẻ: “Năm 2013, được sự quan tâm của ngành nông nghiệp, tôi quyết định chuyển đổi 0,8ha đất lúa lên vườn trồng các loại cây trái phù hợp thổ nhưỡng và được đầu tư 1.000m2 nhà vòm để ươm cây giống, trồng dưa lưới, cà chua bi, dưa leo… lợi nhuận trên 250 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn kết hợp thực hiện “Mô hình đa canh ứng dụng công nghệ cao phục vụ du lịch”, thu hút từ 50-70 khách/ngày, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hiện gia đình tiếp tục mở rộng thêm 1.300m2 nhà vòm nhằm luân phiên cây trồng, phục vụ nông sản an toàn cho người dân địa phương và du khách tham quan”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B Huỳnh Mộc Khải, những năm gần đây, phong trào nông dân SXKD giỏi ngày càng đạt hiệu quả, góp phần đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày thêm phát triển. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt: hộ nghèo hàng năm giảm; hộ khá, giàu ngày càng tăng. Chất lượng nông sản nâng lên, lợi nhuận tăng dần qua từng năm.

Phát huy những kết quả đạt được, Hội Nông dân TP. Châu Đốc tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thi đua SXKD giỏi, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của mỗi hộ gia đình. Tổ chức hoạt động dịch vụ để hỗ trợ hội viên nông dân phát triển SXKD bằng nhiều hình thức. Phối hợp các ngành liên quan tham gia thực hiện các chương trình, dự án, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân. Tiếp tục xây dựng và mở rộng quy mô quỹ Hỗ trợ nông dân do hội quản lý để các hội viên nông dân được vay vốn phát triển sản xuất. Phát hiện, bồi dưỡng nhân rộng các điển hình tiên tiến và nhân tố mới sáng tạo, hiệu quả trong SXKD, giảm nghèo… Thông qua phong trào nông dân SXKD giỏi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, cải thiện mức sống nhân dân; xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân sản xuất giỏi có thu nhập cao, những nông dân là chủ trang trại, làm giàu trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

THU THẢO