Nông dân đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

12/12/2018 - 07:38

 - Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), nông dân An Giang đã cùng các cấp, ngành thể hiện sự quyết tâm trên các hoạt động của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nông dân có nhiều mong muốn, đề xuất để tạo điều kiện nâng cao đời sống cho giai cấp mình.

Qua ghi nhận của Hội Nông dân tỉnh, đa số hội viên, nông dân đồng tình với những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, nông dân An Giang thống nhất với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn” bởi nó xuất phát từ mục tiêu nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân. Theo Hội Nông dân tỉnh, năm 2016 có 46.000ha lúa được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, năm 2017 có 47 doanh nghiệp liên kết, với 29 hợp tác xã và 31 tổ hợp tác tiêu thụ 33.500ha lúa, trong đó có 2 doanh nghiệp tham gia thành lập 5 hợp tác xã kiểu mới. Riêng 2 vụ đông xuân và hè thu năm 2018 đã có 42.500ha lúa được bao tiêu với mức giá cao hơn thị trường 50-100 đồng/kg.

Ông Châu Văn Ly trình bày các đề xuất, ý kiến của nông dân với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Châu Văn Ly thông tin: “Hiện nay, nông dân đã nhận thức rõ tác dụng tích cực của việc tham gia “Cánh đồng lớn”. Việc cởi bỏ cho nông dân áp lực không có đầu ra ổn định đã giúp họ tự tin hơn trong sản xuất. Đồng thời, đó là xu hướng chung hiện nay, khi việc liên kết bao tiêu sản phẩm đã trở nên phổ biến trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”. Nông dân An Giang đang rất phấn khởi trước quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua. Đặc biệt, việc chuyển đổi từ lúa sang vườn cây ăn trái, trồng màu, trồng rau trong nhà lưới, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và an toàn thực phẩm… có chiều hướng phát triển tốt. Trong xây dựng nông thôn mới, người nông dân đã phát huy tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Những vấn đề về quy hoạch sản xuất, xây dựng khu dân cư, xây dựng đường giao thông, các công trình công cộng cùng lộ trình thực hiện nông thôn mới đều được địa phương lấy ý kiến và thông tin cho người dân nắm.

Tuy rất phấn khởi trước thành tựu của tỉnh nhưng nông dân vẫn còn những băn khoăn nhất định, trong đó tình trạng sản xuất tự phát, thiếu định hướng từ ngành chuyên môn khiến đầu ra nông sản luôn gặp khó. Nông dân cho rằng, việc chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp phải có quy hoạch, không nên theo phong trào để tránh tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” hàng hóa. “Đa số nông dân đề xuất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành và địa phương trong việc chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái hoặc trồng rau màu theo hướng ứng dụng công nghệ cao để hướng đến tính bền vững. Trong đó, việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để sản xuất theo đơn đặt hàng là hết sức cần thiết” - ông Châu Văn Ly cho hay.

Giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng khiến vốn đầu tư tăng lên rất cao, trong khi đó giá nông sản bán ra “trồi sụt” theo thị trường khiến cho lợi nhuận của nông dân bấp bênh. Nông dân cho rằng, ngoài giá nhập khẩu nguyên liệu tăng và các doanh nghiệp trong nước không sản xuất đủ vật tư nông nghiệp thì còn có tình trạng một số đại lý cố tình “ghim hàng” (nhất là phân bón), tạo tình trạng khan hiếm trên thị trường để đẩy giá. Bên cạnh những nỗ lực cải tiến về máy móc, sáng tạo kỹ thuật thì nông dân mong muốn ngành chuyên môn tăng cường hơn nữa việc ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất. Trong đó, tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh như: nếp (Phú Tân), xoài (Chợ Mới), đường thốt nốt (Tri Tôn, Tịnh Biên), đặc sản khô (An Phú, Thoại Sơn)… Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đã trở thành yếu tố đặc biệt quan trọng để nông sản An Giang khẳng định vị thế trên thị trường.

“Về phía Hội Nông dân tỉnh sẽ đề xuất với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam các chương trình, dự án giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thực hiện hiệu quả hơn các chương trình ký kết, tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân để kịp thời báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chủ trương, giải pháp phù hợp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra” - ông Châu Văn Ly khẳng định.

MINH QUÂN