Nông dân Phú Tân làm du lịch

13/03/2019 - 08:02

 - Mỗi năm, huyện Phú Tân thu hút khoảng 1 triệu lượt khách tham quan. So với những nơi khác, lượng du khách đến Phú Tân chỉ là con số nhỏ, nhưng địa phương xác định du lịch là tiềm năng chưa khai thác hết, luôn động viên, khuyến khích người dân thử sức với loại hình này khi có điều kiện.

Năm 2018, điểm du lịch Vàm Nao (xã Tân Trung) đã tiếp hơn 2.000 lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Dịch vụ mới nhất là câu cá giải trí, phục vụ khoảng 1.000 lượt khách đến trong năm. Năm nay, Tổ hợp tác du lịch Vàm Nao đã có kế hoạch mở rộng thêm sản phẩm dịch vụ, tăng cường hoạt động marketing với chiến lược lấy hoạt động du lịch làm động lực tiêu thụ hàng nông sản đặc sản trên địa bàn. Trước mắt, tập trung hoàn thiện điểm du lịch như: xây dựng điểm dừng chân, bến tàu đưa đón khách, vận động thêm hộ dân có cơ sở tiềm năng tham gia và bước đầu thu được kết quả khả quan. Bên cạnh đó, tổ đang duy trì chương trình hợp tác với Trung tâm Giống thủy sản An Giang triển khai mô hình liên kết bảo tồn các loại thủy sản nước ngọt gắn với du lịch tại Vàm Nao. Đến nay đã đầu tư cơ bản các hạng mục nuôi bảo tồn hơn 40 loại cá, trong đó có nhiều loại quý hiếm như: cá hô, cá sửu, cá ngựa…

Trải nghiệm du lịch sông nước tại Vàm Nao và câu cá giải trí thư giãn

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung Võ Thanh Tùng thông tin, hoạt động của Tổ hợp tác du lịch Vàm Nao rất tốt, được nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm. Để tiếp tục phát triển, tổ đã có kế hoạch đầu tư thêm các điểm đến, quảng bá du lịch, chỉnh trang cơ sở hạ tầng và các bến tàu, bến bãi phục vụ du khách ngày càng tốt hơn. Ngoài trải nghiệm đời sống sông nước ở khu vực lòng hồ Tân Trung chủ yếu tập trung mùa nước nổi, nay người dân còn mở thêm dịch vụ câu cá giải trí tại ấp Mỹ Hóa 1. Điểm đến này đồng thời là nơi bảo tồn nhiều loại cá hiếm, do nông dân bên ngoài Tổ hợp tác có điều kiện tham gia. Từ điểm này, địa phương hướng bà con kết nối với các thành viên có cơ sở hạ tầng, cây trái, điểm vui chơi… để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Ông Phan Văn Long mở ra điểm câu cá giải trí được hơn 1 năm cho biết, 2 ngày cuối tuần người dân đến rất đông. Ngoài người địa phương còn có khách từ Chợ Mới, Đồng Tháp sang chơi. Tại đây, hàng tháng ông thả khoảng 1 tấn cá phục vụ khách kết hợp ăn uống, trong đó có nhiều loại cá hiếm như: cá sửu, cá éc, cá hô… chỉ câu giải trí.

Từ khi thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình phát triển du lịch văn hóa sinh thái lòng hồ Tân Trung - Vàm Nao, huyện Phú Tân” do Trường Đại học Tôn Đức Thắng chủ trì, PGS.TS khoa học Bùi Loan Thùy chủ nhiệm đề tài (năm 2015), nông dân đã bắt đầu làm quen với hoạt động phục vụ du lịch. Người dân tham gia được tập huấn các kỹ năng du lịch căn bản nhất, “thực hành” phục vụ qua các tour thử nghiệm giới thiệu các điểm, sản phẩm du lịch, làng nghề, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Sau thời gian tổ chức, quảng bá, từ khóa “du lịch Vàm Nao - Tân Trung” đã trở nên thân thuộc với đông đảo du khách. Tuy nhiên, xét điều kiện thực tế, Phú Tân còn nhiều điều kiện khó khăn, như: cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa hoàn thiện, điểm lưu trú còn hạn chế, các loại hình dịch vụ chưa phong phú trong khi tiềm năng còn rất lớn.

Tháng 4-2018, huyện Phú Tân ban hành kế hoạch thực hiện dự án đầu tư du lịch sinh thái kết nối du lịch tâm linh lòng hồ Tân Trung và thị trấn Phú Mỹ, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hoạt động du lịch. Bí thư Huyện ủy Phú Tân Lâm Phước Trung cho biết, phải giúp người dân làm kinh tế trước rồi mới hình thành vùng du lịch. Địa phương chọn Tân Trung làm trọng điểm, trước hết sẽ phát triển những vùng trồng cây đặc sản kết hợp cải tạo lòng hồ, trồng bắp, mía, ấu… đáp ứng nhu cầu thực khách “mùa nào thức ấy”. Bình quân 1 năm, ngay tại trung tâm huyện Phú Tân đón cao nhất trên 1 triệu lượt người vào 2 dịp lễ đạo nhưng hiệu quả khai thác du lịch không có. Vì vậy, địa phương đang tìm giải pháp tốt nhất để kết nối với Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo làm thế nào gắn với du lịch tâm linh. Học cách làm du lịch của nông dân Phú Tân là một thử thách, cũng là nỗ lực. Bởi, nhiều người khởi điểm không phải tận dụng sự giàu có của thiên nhiên, mà phải ra sức cải tạo, thử nghiệm, thu dần kết quả mới mở rộng.

Làm du lịch và phát triển du lịch ở Phú Tân là một câu chuyện dài, nhưng có thể khẳng định, kinh doanh loại hình du lịch theo hướng sinh thái mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và góp phần phát triển địa phương theo hướng bền vững.

MỸ HẠNH