Nông dân “thắng đậm”

05/03/2018 - 08:59

Vụ lúa đông xuân 2017-2018 nông dân trồng lúa ở TP Cần Thơ gặp thuận lợi trong tiêu thụ, lúa tươi được bán ngay tại ruộng cho doanh nghiệp và thương lái. Bà con rất phấn khởi khi vụ lúa này chi phí sản xuất khá thấp, lại trúng mùa, trúng giá...

A A

Lợi nhuận cao kỷ lục

Đầu tháng 3, đã có hàng ngàn héc-ta lúa đông xuân 2017-2018 tại các quận, huyện như: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ...  thu hoạch. Nhiều nông dân cho biết, năng suất lúa đông xuân đạt từ 1-1,3 tấn/công (nông dân tính theo công tầm lớn 1.300m2), cao hơn từ 100-350 kg/công so với cùng kỳ nhiều năm trước. Còn theo thống kê và tính toán của ngành nông nghiệp và chính quyền tại nhiều địa phương, năng suất nhiều diện tích lúa đông xuân thu hoạch đầu vụ đạt 7,6-8,5 tấn/ha (10.000 m2), cao hơn ít nhất 1-2 tấn/ha so cùng kỳ năm trước. Các trà lúa đông xuân thu hoạch đầu vụ không chỉ  trúng mùa mà còn trúng giá.

Lúa đông xuân tại TP Cần Thơ đang chủ yếu được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Trong ảnh: Thu hoạch lúa đông xuân tại huyện Thới Lai.

Anh Tô văn Dễ ngụ ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, phấn khởi, cho biết: “Tôi đã thu hoạch 3 công lúa OM 5451 vụ đông xuân 2017-2018, năng suất đạt 1,2 tấn/công tầm lớn và do làm lúa giống nên bán lúa tươi được với giá 7.000 đồng/ kg, tôi có lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/công. Vụ đông xuân năm trước, tôi cũng sản xuất lúa giống nhưng  chỉ đạt lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/công ”. Ông Phạm Ngọc Quân (Tư Đức) ngụ ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, nói: “Vụ này nhiều nông dân sản xuất lúa hàng hóa có mức lợi nhuận rất cao từ 4-5 triệu đồng/công tầm lớn nhờ có vụ mùa bội thu, đặc biệt với các hộ dân tham gia sản xuất giống lúa mới Đài Thơm Tám”.  Theo ông Tư Đức, vụ này tại xã Tân Thạnh có khoảng 25ha lúa của nông dân gieo sạ lúa Đài Thơm Tám, các nhà tiêu thụ bao tiêu lúa ngay từ đầu vụ với giá thu mua lúa tươi từ 5.600-5.880 đồng/kg, tùy điều kiện giao thông. Ruộng lúa Đài Thơm Tám của ông và nhiều hộ dân tại xã vừa thu hoạch đạt năng suất 1,3-1,35 tấn lúa tươi/công tầm lớn, tính ra sau khi bán lúa trừ đi chi phí, nông dân có thể đạt thu nhập từ 4,8-5 triệu đồng/công, đây là mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Nhiều nông dân cho biết, vụ này đạt lợi nhuận cao nhờ chi phí sản xuất lúa tương đối thấp do các điều kiện thời tiết, thủy văn thuận lợi, đặc biệt đồng ruộng được bồi bổ nhiều phù sa trong mùa lũ, lúa ít bị các loại sâu bệnh và dịch hại, nông dân giảm chi phí tiền vật tư, tập trung xuống giống đồng loạt né rầy trên từng cánh đồng, thực hiện tưới, tiêu nước tập thể và tăng cường liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các diện tích lúa đông xuân đều được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đã giúp nông dân tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, nông dân cũng giảm được thất thoát  phơi sấy, bảo quản lúa khi các nhà tiêu thụ đến tận ruộng thu mua lúa tươi.

Để vụ mùa được bội thu

Vụ lúa đông xuân 2017-2018 bắt đầu  bước vào vụ thu hoạch rộ, diện tích lúa chưa thu hoạch còn rất lớn nên nhiều nông dân vẫn còn rất lo cho vụ mùa, nhất là khi tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, tình trạng gió, mưa trái mùa có thể xảy ra làm lúa bị đổ ngã, hư hại và gây khó cho thu hoạch.  Do vậy, các cấp, các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa kịp thời, giảm thấp nhất thời gian lúa đứng trên đồng ruộng để giảm rủi ro, giúp nông dân tháo gỡ kịp thời khó khăn phát sinh trong quá trình thu hoạch và tiêu thụ lúa để đảm bảo thắng lợi cho cả vụ mùa.

Hiện có một số diện tích lúa của nông dân bị ngã do gặp gió mạnh và bị ảnh hưởng bởi trận mưa trái mùa khá lớn xảy ra hồi mùng 3 Tết Mậu Tuất. Sau đó, không xảy ra thêm các trận mưa nữa nên nông dân tránh được nhiều thiệt hại và đồng ruộng cũng không bị sình lầy nên có thể dễ dàng đưa máy móc vào đồng ruộng thu hoạch lúa. Tuy nhiên, một số diện tích lúa bị đổ ngã, nông dân đang phải tốn thêm chi phí từ 20.000-50.000 đồng/công để thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Cụ thể, giá thuê máy gặt đập liên hợp cắt lúa đứng ở mức 260.000-280.000 đồng/công, còn lúa ngã phải từ 300.000-350.000 đồng/công.

Thu hoạch lúa tại hộ ông Phạm Ngọc Quân ở  huyện Thới Lai.

Nhìn chung, nông dân đều rất phấn khởi khi lúa đông xuân 2017-2018 đang trúng mùa và bán được giá. Hiện lúa tươi IR50404 được nhiều doanh nghiệp, tiểu thương thu mua ngay tại ruộng của nông dân ở mức 5.000-5.300 đồng/kg; các loại lúa hạt dài và lúa thơm như: OM 5451, OM 4900, Jasmine 85, Đài Thơm Tám... có giá 5.500-6.000 đồng/kg, cao hơn từ 400-800 đồng/kg so với vụ đông xuân của cùng kỳ nhiều năm trước. Tuy nhiên, có không ít nông dân cũng chưa cảm thấy thật hài lòng với giá bán lúa của mình do đã nhận tiền cọc bán lúa cho thương lái và doanh nghiệp ngay từ đầu vụ với giá rẻ hơn so với mức giá của thị trường gần đây. Điều này, có thể khiến cho việc thực hiện hợp đồng giữa nông dân và các nhà thu mua gặp khó do phải thương lượng lại giá, khiến việc thu hoạch lúa chậm trễ. Đây cũng là vấn đề mà các cấp lãnh đạo TP Cần Thơ rất quan tâm và đã liên tục có các chỉ đạo từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018 để ngành nông nghiệp thành phố và chính quyền địa phương chủ động tìm ra giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề. Ngay từ trước Tết Nguyên đán 2018, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp chặt với chính quyền tại các địa phương để theo dõi sát tình hình, kịp thời hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp, thỏa thuận giá và thực hiện tốt các hợp đồng bao tiêu lúa.

Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp và tiểu thương ký hợp đồng bao tiêu, đưa tiền cọc mua lúa của nông dân từ đầu vụ với “giá chết” đã mạnh dạn chọn giải pháp tăng thêm tiền mua lúa cho nông dân lên đến khoảng 50%  so với mức giá tăng thêm của thị trường trong thời gian gần đây so với giá mua lúa hồi đầu vụ. Riêng các đơn vị, doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lúa của nông dân theo mức giá sàn tối thiểu đã kịp thời thương lượng, thỏa thuận thu mua lúa theo giá thị trường vào thời điểm thu hoạch...

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)