Nông dân trồng khóm Tắc Cậu không lo ế nhờ "bắt tay" doanh nghiệp

15/06/2018 - 20:26

Trong khi ở nhiều nơi nông dân thu hoạch khóm rất khó bán vì giá thấp, hoặc không có người thu mua, thì tại huyện Châu Thành (Kiên Giang), có những hộ vẫn bán được giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/trái.

A A

Theo nhiều nông dân trồng khóm được bao tiêu tại huyện Châu Thành, không những họ bán được khóm với giá cao, mà nông dân còn không ế hàng. Tất cả là nhờ liên kết sản xuất và tiêu thụ với Công ty TNHH Một thành viên đặc sản vùng miền Lê Gia (Công ty Lê Gia).

Tại ấp Bình Lạc, xã Minh Hòa (huyện Châu Thành), ông Nguyễn Văn Lập đang thu gom khóm của các hộ dân trong ấp để vận chuyển đến Công ty Lê Gia tiêu thụ. Ông Lập nói: “Giá khóm mấy ngày nay tuy có nhích lên 500 đồng/trái nhưng vẫn còn thấp lắm. Với giá 3.000-3.500 đồng/trái như hiện nay nông dân thu hoạch dưới 600 trái sẽ không đủ chi phí trả nhân công”.

nong dan trong khom tac cau khong lo e nho "bat tay" doanh nghiep hinh anh 1

Ông Lập thu gom khóm của nông dân để chuyển đến công ty. (Ảnh: NQ).

Từ năm 2016 đến nay, ông Lập và 9 hộ dân trong ấp được Công ty Lê Gia bao tiêu sản xuất hơn 10ha khóm, với giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/trái. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Lập có lãi khoảng 40 triệu đồng/năm từ 30 công khóm.

Theo ông Lập, từ sau khi khóm Tắc Cậu được Hội Nông dân huyện Châu Thành đăng ký chứng nhận nhãn hiệu tập thể, và được Công ty Lê Gia hướng dẫn quy trình canh tác khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, ông và nhiều bà con khác có thâm niên trồng khóm trong ấp rất an tâm sản xuất, và luôn lấy chữ tín làm đầu để giữ thương hiệu khóm Tắc Cậu. Giá khóm hàng vụ tăng hoặc giảm đều được nông dân và doanh nghiệp thỏa thuận để hai bên cùng có lợi.

nong dan trong khom tac cau khong lo e nho "bat tay" doanh nghiep hinh anh 2

Khi có hợp đồng bao tiêu, giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ có thỏa thuận để cả hai bên cùng có lợi. (Ảnh: NQ).

Tại trụ sở Công ty Lê Gia những ngày cuối tháng 5, khóm chín được chất đầy cả khoảng sân, công nhân đang gọt vỏ, cắt mắt khóm và hệ thống chế biến khóm sấy dẽo nơi đây đang hoạt động hết công suất. Theo anh Lê Quốc Văn – Phó Giám đốc Công ty Lê Gia, mỗi ngày công ty thu mua trong dân khoảng nửa tấn khóm chín và sấy để cho ra mặt hàng khóm sấy dẽo. Đây là sản phẩm được công ty xuất sang các nước Đông Nam Á từ năm 2017.

“Từ sau tết Nguyên đán đến nay sức tiêu thụ khóm sấy dẽo có chậm lại, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng mua hết khóm ở những hộ đã gắn kết với công ty để bà con có vốn tái sản xuất” - anh Văn cho biết.

nong dan trong khom tac cau khong lo e nho "bat tay" doanh nghiep hinh anh 3

Châu Thành là vùng sản xuất lớn của Kiên Giang với thương hiệu khóm Tắc Cậu trứ danh. (Ảnh: NQ).

Theo Hội Nông dân huyện Châu Thành, toàn huyện có 1.500ha khóm, với sản lượng đạt 15.000 tấn/vụ. Giá khóm tại hai huyện Châu Thành hiện đã tăng lên được 500 đồng/trái, đạt mức giá 3.000-4.000 đồng/trái đối với khóm loại 1 (cỡ 1-1,2kg/trái). Tuy giá khóm nhích lên, nhưng bà con nông dân trồng khóm cho biết, với giá này, họ vẫn chưa có lời và sẽ lỗ công thu hoạch, vận chuyển nếu tự bán cho thương lái bên ngoài.

Theo NGỌC QUYÊN (Dân Việt)